Học giả Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh chính sách với Mỹ

Dù không chỉ trích trực tiếp chính sách hiện tại của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng một số học giả ôn hòa ở Trung Quốc đang kêu gọi Bắc Kinh xem xét thay đổi lập trường và tìm tiếng nói chung với Washington.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sau khi hôm 10-5 khi Mỹ chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và ngay sau đó, Bộ Thương mại Tung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả.

Cuối ngày hôm đó, vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 11 ở Washington kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, thay vào đó, là một tuyên bố hai bên sẽ nối lại đàm phán ở Bắc Kinh vào một ngày chưa xác định.

Trước khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dâng cao, một số học giả ôn hòa ở Trung Quốc hối thúc Bắc Kinh xem xét lại chiến lược tổng thể của nước này đối với Mỹ vì họ xem đây là mối quan hệ quan trọng nhất có thể định hình hướng đi tương lai của nước này.

Dù không chỉ trích trực tiếp các chính sách hiện tại của Trung Quốc nhưng họ đang kêu gọi mạnh mẽ hơn về sự cần thiết phải xem xét lại và thay đổi chính sách.

Zhang Musheng, một quan chức chính phủ đã nghỉ hưu và là một học giả nổi tiếng ở Trung Quốc, nói: “Trung Quốc đã quá cứng rắn trong những năm vừa qua và không nhận ra các hố ngăn cách khổng lồ với Mỹ trên nhiều mặt trận. Ca ngợi thành công, cái gọi là mô hình Trung Quốc hay giải pháp Trung Quốc cho thế giới, là không cần thiết và sẽ chỉ mời gọi những công kích”.

Là con trai của cựu quan chức cấp cao ở Quốc Vụ viện Trung Quốc, Zhang Musheng vẫn đang tư vấn cho Bắc Kinh về các chính sách kinh tế.

Trong khi đó, ông Li Ruogu, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cần phải hiểu hơn về lối suy nghĩ của Mỹ và điều chỉnh các chính sách để giúp duy trì tốt mối quan hệ song phương với nước này.

“Quan hệ Trung - Mỹ là nền tảng trong mối quan hệ tổng thể của chúng ta với thế giới phương Tây. Nếu chúng ta không thể quản lý tốt mối quan hệ này tốt thì mối quan hệ của chúng ta với các nước phát triển khác sẽ bị ảnh hưởng. Đây là điều cần phải suy nghĩ cẩn trọng”, ông Ruogu nói tại một diễn đàn hồi đầu năm nay.

Ông nói tiếp: “Liệu chúng ta đã thực sự hiểu Mỹ? Liệu chúng ta đã thực sự hiểu Donald Trump và những cố vấn xung quanh ông ấy? Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nghiên cứu Mỹ kỹ càng hơn trước khi định hình lập trường của chúng ta”.

Ông Ruogu cho rằng dù Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại hay không, Bắc Kinh cũng cần phải duy trì mối quan hệ với Washington vì một cuộc đối đầu toàn diện sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Lập trường của Ruogu được nhiều học giả và nhà kinh tế Trung Quốc khác tán đồng, bao gồm, Hồ Đức Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Trung - Mỹ, con trai của cố Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang.

Lập trường này phản ánh mối lo ngại ngày càng dâng cao trong nhóm ôn hòa của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang trượt vào xung đột nếu hai bên không điều chỉnh các chính sách.

Dù lập trường của họ không đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc nhưng nhiều nhân vật trong số họ là người có tầm ảnh hưởng vì họ xuất thân từ một nhóm ưu tú vốn là con cháu của thế hệ những nhà cách mạng đầu tiên của nước này.

Giáo sư Yang Dali, nhà khoa học chính trị ở Đại học Chicago (Mỹ) nhận định các cuộc thảo luận đó ghi nhận rằng sức mạnh của Trung Quốc vẫn chưa ngang bằng Mỹ và một số cải cách mà Mỹ yêu cầu Trung Quốc thực hiện như là một phần của thỏa thuận thương mại có thể đòi hỏi Trung Quốc tiến hành các điều chỉnh chính sách nhưng dù vậy, chúng có thể phục vụ lợi ích cho Trung Quốc trong dài hạn.

Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc ở Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở ở Washington, cho rằng chỉ các cuộc thảo luận nội bộ thôi là không đủ để tạo ra thay đổi và áp lực bên ngoài sẽ là một động lực lớn để thúc đẩy thay đổi.

Bà nói: “Nếu có bất kỳ thay đổi nào ở chính sách hiện tại của Trung Quốc, đó có thể là do các tác động tiêu cực từ các chính sách này. Trung Quốc thực sự không đủ sức để trở thành kẻ thù lớn nhất của Mỹ”.

Theo South China Morning Post

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/288725/hoc-gia-trung-quoc-keu-goi-bac-kinh-dieu-chinh-chinh-sach-voi-my.html