Học không phải để 'sợ', mà chạm tới những rung động

Các chuyên gia giáo dục đều chỉ ra, môn Sử bao năm qua đã dạy học sinh đọc chép theo các sự kiện, con số, trận đánh… để học thuộc lòng mà không… yêu! Trong khi đó, môn Sử ẩn chứa bao điều về văn hóa, lịch sử, con người hôm qua, hôm nay và mai sau. Thực tế, tất cả mọi môn học đều mang những vẻ đẹp lấp lánh, nếu thầy cô biết… 'truyền lửa'…

“Chúng ta phải xem lại, vì sao lịch sử tự nó hay như thế, mà môn Sử lại khiến học sinh sợ rồi chán”... (Ảnh minh họa)

“Chúng ta phải xem lại, vì sao lịch sử tự nó hay như thế, mà môn Sử lại khiến học sinh sợ rồi chán”... (Ảnh minh họa)

Làm sao để người học từ thích đến yêu

GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - ĐH QGHN chia sẻ thẳng thắn, Lịch sử vốn rất phong phú, đa dạng, nhiều điều hấp dẫn, nhưng chúng ta đã không đem cái hấp dẫn đó vào bài học Lịch sử mà dạy một cách khô khan. Thầy giáo luôn sợ dạy sai vì phải dạy theo sách giáo khoa. GS Giang đã tham gia nhiều hội đồng chấm giáo viên dạy giỏi Sử, thực tế là thầy cô giáo nói rất diễn cảm nhưng không xa rời được câu chữ trong sách giáo khoa.

GS cũng có dịp đi công tác ở nước ngoài thì thấy học sinh nước ngoài rất thích môn Sử là bởi vì các em được đi tham quan, đến bảo tàng, đi trải nghiệm, trong khi Việt Nam không có những điều đó.

Vấn đề đặt ra là, làm sao đó để môn Sử hấp dẫn hơn, để môn Sử không cần dạy nhiều những thứ cụ thể, làm sao để học sinh tự thấm, tự tìm hiểu. Khi học sinh có sự ham thích, mong muốn tìm hiểu thì các em sẽ làm mọi cách để tìm hiểu. Đó mới là đổi mới căn bản toàn diện. Theo tinh thần đổi mới giáo dục, chương trình cũng như các môn học đều được thiết kế tích hợp theo hướng tiếp cận năng lực chứ không tiếp cận nội dung, tức là không dạy kiến thức cụ thể nhiều. Môn Lịch sử không nằm ngoài khuynh hướng này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nghiên cứu lịch sử không phải để đi tìm quá khứ mà là để tiến về tương lai, để hiểu được quy luật vận động của xã hội, của lịch sử, để vận dụng những bài học lịch sử đối phó với thách thức, giải quyết những vấn đề của hiện tại… Việc cần làm là đổi mới phương pháp học tập môn lịch sử hơn nữa trong nhà trường và cộng đồng xã hội…

Đặc biệt, chương trình Lịch sử trong giai đoạn này đặt ra yêu cầu làm cho học sinh yêu và say mê tìm hiểu Lịch sử. Môn Lịch sử không chỉ là một khối kiến thức thông thường mà còn giúp cho người học dung dưỡng tình cảm, nâng cao ý thức đối với đất nước, đối với dân tộc. GS Vũ Minh Giang cho biết, chúng ta đang đi trên con đường đổi mới theo hướng không làm cho môn Lịch sử nặng nề, mà làm sao để cho người học bắt đầu từ thích đến yêu và người ta thấy cần thiết thì lúc đó không phải là học nhiều giờ, không phải bắt buộc mà người ta sẽ tự tìm hiểu.

Mục đích của đổi mới đối với môn Lịch sử lần này là thay đổi một cách căn bản về phương pháp xây dựng chương trình, tiếp cận, không dạy nhiều kiến thức cụ thể, không bắt phải nhớ những năm tháng, sự kiện. Mà trên cơ sở những kiến thức căn bản nhưng tối thiểu đó người học cảm thấy môn học hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo, sự đam mê. Đó chính là cái đích hướng tới của môn Lịch sử.

Lịch sử cho người học hiểu rằng, đây là những kiến thức giúp cho một dân tộc tự nhận thức mình, cho ta biết gốc tích của mình ở đâu và những điều cơ bản trong lịch sử là gì. Từ đó, hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, niềm tự hào đối với lịch sử, văn hóa dân tộc. Và trên cơ sở đó người ta khát khao đi tìm hiểu thêm, đấy là thành công. Chứ không phải dạy nhiều mới là quan trọng. Dạy nhiều mà dạy như cũ, dạy mà khiến học sinh “chán”, “sợ” thì càng nhiều càng phản tác dụng. Lịch sử giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước cũng phải truyền cảm đúng cách chứ không thể gò ép mà có được kết quả như mong đợi, GS.TS Vũ Minh Giang nhấn mạnh…

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung Ương cho rằng, trong giáo dục, phải thấy hết giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của môn Lịch sử, phải coi đó là nền tảng của giáo dục đạo đức, bổn phận, nghĩa vụ trách nhiệm chính trị và xã hội cho mỗi học sinh để lớn lên họ có lương tâm và biết trọng danh dự, phẩm giá, không biến dạng lệch lạc thành kẻ vô ơn, sự vô cảm trong tâm hồn.

Bác Hồ đặc biệt chú trọng giáo dục lịch sử. Người nhấn mạnh, phải coi trọng các môn học về tinh thần (những môn Khoa học nhân văn, Văn học, Lịch sử, Đạo đức, Giáo dục công dân,…).

Phải tìm tòi để đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục sao cho có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục nhất đối với thanh thiếu niên. Các tài năng và bản lĩnh sư phạm của nhà giáo phải có sức “truyền lửa”, “truyền cảm hứng”, “chạm” vào trái tim, tâm hồn trẻ thơ, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước.

Học trò có thể nói những điều khác thầy

Tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử sao cho hấp dẫn học sinh, thay thế phương pháp học vẫn còn khá nặng hiện nay là học sinh phải cố học thuộc để nhớ, dẫn dắt học sinh tìm đến môn học Lịch sử bằng sự chủ động.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết, học Lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu biết về nguồn cội để biết ơn tổ tiên, hiểu về đức tính chịu thương, chịu khó, tinh thần đoàn kết, anh dũng, sáng tạo và thông minh của biết bao thế hệ trong đấu tranh bảo vệ non sông, bờ cõi. Để từ đó biết trân trọng giá trị cuộc sống và nuôi dưỡng niềm tin, giúp học sinh có kiến thức về tinh hoa của văn hóa nhân loại để học hỏi, giao lưu và hội nhập.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, để hình thành ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đối với học sinh không chỉ có ở môn học Lịch sử trong nhà trường, mà còn có trong mọi sinh hoạt từ gia đình đến xã hội, từ mọi nguồn thông tin mà học sinh tiếp cận hằng ngày, từ các hoạt động mà các em được tham gia, được trải nghiệm từ cộng đồng.

Thực tế hiện nay, học sinh chưa có nhiều điều kiện để học lịch sử từ cuộc sống, thông tin các em tiếp cận hàng ngày cũng chưa có nhiều thông tin về lịch sử. Bên cạnh đó, học sinh nói riêng và giới trẻ hiện nay nói chung có quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ về cuộc sống có nhiều thay đổi, các em tìm sự chia sẻ, đồng cảm, giao tiếp và học hỏi qua môi trường mạng với nguồn thông tin vô tận và khó kiểm soát. Do đó, “tôi tin và luôn mong muốn ngành giáo dục, giáo dục về lịch sử nói riêng cũng như giáo dục nói chung phải còn là trách nhiệm của toàn xã hội và của mỗi gia đình, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Có thể nói, môn học nào cũng có những vẻ đẹp riêng khi thầy cô biết thổi hồn vào mỗi bài học. Đơn cử môn Toán cũng là niềm say mê với những ai yêu nó. “Ai cũng nói Toán học là khô khan nhưng rất nhiều thầy cô đã tạo ra sự hấp dẫn và nhiều học sinh thực sự yêu thích môn Toán. Bởi vậy, tôi cho rằng, môn nào cũng có thể làm cho học sinh yêu thích, trong đó có Lịch sử”, TS Toán Lê Thống Nhất bày tỏ.

GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về việc để học sinh yêu thích môn Sử là điều trăn trở của cả xã hội và đặc biệt đối với những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. “ Chúng ta phải xem lại, vì sao lịch sử tự nó hay như thế mà môn Sử lại khiến học sinh sợ rồi chán. Theo tôi có mấy nguyên nhân sau đây và đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau nhận thức ra để khắc phục.

Thứ nhất, tôi trở lại cái tiếp cận nội dung của chúng ta trong suốt một thời gian dài, không riêng Sử đâu, cái gì cũng dạy rất cụ thể khiến cho chương trình luôn quá tải. Lịch sử có rất nhiều nội dung chi tiết nên là môn học chịu hệ lụy nặng nhất của phương pháp tiếp cận này.

Bây giờ để cho học sinh thích thú, bớt sợ đi thì khi học môn này, không phải nhớ một cách máy móc, thuộc làu những con số như năm tháng, địa danh,… những cái đó có thể tra cứu được. Thay vào đó, phải dạy cốt lõi của vấn đề, ý nghĩa sâu sắc của vấn đề.

Thứ hai, gần đây mới dần nhận ra là chúng ta dạy Lịch sử hơi áp đặt, ví dụ ý nghĩa phải thế này, không thể nói khác. Trong khi đó, Lịch sử là một khoa học, mà khoa học thì khi có tư liệu mới, có phương pháp mới, kết luận cũng có thể khác. Cho nên có câu châm ngôn rất hay về Lịch sử là: “Lịch sử diễn ra chỉ có một lần, nhưng lịch sử viết lại có thể phải nhiều lần”. Bởi vì có tư liệu mới, có những phát hiện mới, có những nhận thức mới thì phải thay đổi nhận thức.

Chúng ta đã hơi cứng nhắc, chủ quan, khiến cho môn học khô cứng, làm mất tính sáng tạo. Đã có rất nhiều người về sau đi làm nghề Sử, trở thành giáo sư Sử học nói rằng trước kia, trước khi vào ngành Sử đã rất sợ đây là ngành mà chỉ học thuộc làu thôi, không biết mình vào nổi không. Sau này mới hiểu rằng không phải như vậy, khi nghiên cứu lịch sử anh có thể tham gia sáng tạo tri thức mới. Khảo cổ phát hiện ra một cái gì đó tự nhiên là có nhận thức mới về giai đoạn đó, hay phát hiện một tư liệu gì đó hoàn toàn mới.

Theo GS Đỗ Thanh Bình, khoa học là luôn tìm cái mới, thì lịch sử cũng như vậy. Nên bây giờ cái làm cho lịch sử hấp dẫn, là luôn luôn có thể tìm ra cái mới, học trò có thể nói những điều khác với thầy đã từng nói thì sẽ rất thú vị. Bên cạnh đó, lịch sử vốn là cuộc sống, là những gì gắn với thực tiễn, cho nên phải cho học sinh trải nghiệm, tới các di tích, gặp những nhân chứng hay làm cách nào đó để người học thấy rằng lịch sử rất sinh động chứ không phải chỉ là những con số khô khan, những luận điểm, giáo điều. Đó là cách chúng ta dần dần làm cho học sinh yêu môn Sử hơn, thấy rằng kiến thức lịch sử có ích cho mình”…

Miên Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoc-khong-phai-de-so-ma-cham-toi-nhung-rung-dong-post450695.html