Học ngành công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam

Ngành công tác xã hội sau 5 khóa tuyển sinh có gần 1.000 sinh viên hệ đại học chính quy, trong đó 220 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, phần lớn có việc làm, thu nhập ổn định.

Dưới đây là một số ưu điểm đào tạo ngành công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Giảng viên chất lượng

Với ưu thế 100% giảng viên cơ hữu là thành viên của Hiệp hội Đào tạo nghề và nghề Công tác xã hội Việt Nam; nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, nhiều tập huấn chuyên môn; bài giảng, giáo trình, tài liệu phục vụ công tác dạy và học được hoàn thiện; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và đạt được các giải thưởng…, ngành công tác xã hội đang trao cơ hội học tập và thực hiện nghề nghiệp cho sinh viên.

Sinh viên ngành công tác xã hội thực tập tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục Lao động Xã hội số 2, Ba Vì.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường được đào tạo bài bản tại các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, đang công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ về công tác xã hội tại Việt Nam.

Đội ngũ cộng tác viên nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ các trung tâm bảo trợ xã hội, các trung tâm công tác xã hội… của nhà nước và tư nhân tại Hà Nội và các tỉnh.

Tọa đàm “Tổ chức và phát triển cộng đồng tại Mỹ: Lý thuyết và thực tiễn” giữa giảng viên, sinh viên K1 - khoa Công tác xã hội và tình nguyện viên người Mỹ Leanna Noble, Hollis Stewart.

Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo của khoa Công tác xã hội được xây dựng trên cơ sở “lấy người học làm trung tâm”. Chương trình được xây dựng với các mục tiêu đào tạo rõ ràng, được tham khảo từ các chương trình đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội của các trường đại học trong và ngoài nước, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, sinh viên ngành công tác xã hội cũng như các ngành học khác có cơ hội học song ngành, lựa chọn thêm một trong các ngành còn lại của học viện như luật, giới và phát triển, quản trị kinh doanh, quản trị du lịch và lữ hành, truyền thông đa phương tiện.

Sinh viên ngành công tác xã hội trình bày khóa luận tốt nghiệp.

Môi trường học tập

Môi trường học tập của sinh viên ngành công tác xã hội gắn lý thuyết với thực hành, sinh viên liên tục được tiếp cận với những điều mới mẻ, hiên đại. Ngoài những giờ học trên giảng đường, sinh viên được tham gia các đợt kiến tập, thực tập để trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, từ đó củng cố các nội dung chuyên môn, sự gắn bó với nghề nghiệp và tình yêu nghề.

Ngoài ra sinh viên còn được tham gia các hoạt động bổ ích khác có liên quan với chuyên ngành như các hội thảo khoa học, các hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình tập huấn nghề nghiệp.

Sinh viên được tham gia các hoạt động ngoại khóa phong phú như câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ múa dân gian, đội sinh viên tình nguyện…

Cơ hội nghề nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững, các vấn đề xã hội ngày càng được quan tâm trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Chính vì thế, vị trí việc làm cho cử nhân ngành công tác xã hội khá đa dạng.

Cử nhân ngành này có thể làm cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp từ trung ương đến địa phương; là cán bộ, chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; là cán bộ hoạch định chính sách xã hội, chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành lao động - thương binh - xã hội các cấp từ trung ương đến địa phương.

Sinh viên khóa 2 ngành công tác xã hội nhận bằng cử nhân.

Ngoài ra, các em có thể trở thành giảng viên về công tác xã hội trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…; nghiên cứu viên về công tác xã hội trong các viện nghiên cứu, học viện, trung tâm…; nhân viên xã hội, kiểm huấn viên trong các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội…; nghiên cứu viên, chuyên viên, kiểm huấn viên… trong các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài.

Sơn Trà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-nganh-cong-tac-xa-hoi-tai-hoc-vien-phu-nu-viet-nam-post862748.html