Học ngành này ra trường sẽ làm gì?

Tình cảnh nhiều cử nhân phải chật vật tìm việc trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi và gián đoạn (disruption) không ai có thể ngờ tới đã được ghi nhận từ nhiều thập kỷ nay với thuật ngữ 'overspecialiation' – chuyên môn hóa quá mức. Xu hướng này đã diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn trước do những tiến bộ trong các lĩnh vực như điện toán, robot và trí tuệ nhân tạo. Những gì sinh viên học hiện nay dù được xem là tân tiến nhất cũng có thể lỗi thời sau khi tốt nghiệp trong 4-5 năm tới.

Học ngành này ra trường sẽ làm gì? Bà xã tôi hỏi vậy sau khi con gái nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (Materials Science and Engineering, viết tắt là MSE) của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và chúng tôi nhanh chóng tìm được câu trả lời khi tham khảo trang web của trường với thông tin đầy đủ và rõ ràng về ngành học và triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Nhưng vợ chồng tôi cũng phải dành cả buổi sau bữa cơm tối để trao đổi về những điều mình đã đọc bởi MSE là sự kết hợp của nhiều ngành khác nhau như hóa học, vật lý, sinh học và toán kỹ thuật.

Cụ thể hơn, đó là ngành nghiên cứu cấu trúc, tính chất, thiết kế, chế tạo và sử dụng tất cả các loại vật liệu như kim loại, gốm, bán dẫn, polymer, y sinh, điện tử… với các ứng dụng liên quan đến năng lượng, môi trường, sức khỏe, và nhìn chung là đến mọi hoạt động của con người.

Xem ra con gái chúng tôi không có gì phải lo lắng về tương lai với cơ hội việc làm rộng mở và NTU là trường liên tục nằm trong tốp 3 thế giới về nggành MSE trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới theo ngành nghề (hình 1).

Có đủ thích thú, say mê với ngành học đã chọn không?

Dù nghe tương lai rất tốt, tôi đã lưu ý con gái rằng những gì sinh viên học hiện nay cũng có thể lỗi thời sau khi tốt nghiệp trong 4-5 năm tới. Từ nhiều thập kỷ nay, trong tiếng Anh đã xuất hiện thuật ngữ “overspecialiation” (chuyên môn hóa quá mức) để nói lên tình cảnh nhiều cử nhân phải chật vật tìm việc trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi và gián đoạn (disruption) không ai có thể ngờ tới. Xu hướng này đã diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn trước do những tiến bộ trong các lĩnh vực như điện toán, robot và trí tuệ nhân tạo.

Một số báo cáo về xu hướng việc làm cũng cảnh báo rằng trong nhiều ngành nghề hoặc chuyên ngành có nhu cầu cao nhất hiện nay cách đây 10, thậm chí 5 năm chưa bao giờ tồn tại; và tốc độ thay đổi sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Bằng cấp không phải là con dấu suốt đời của năng lực chuyên môn và lối suy nghĩ như vậy tạo ra cảm giác an toàn sai lầm, duy trì ảo tưởng rằng kiến thức và kỹ năng là những thứ tĩnh tại.

Thật ra, điều khiến tôi ưu tư nhất là liệu con tôi có thích thú và say mê với ngành học mình đã chọn hay không bởi lẽ theo cách nghĩ truyền thống, khoa học và kỹ thuật vốn là những ngành học rất khô khan và lắm khi trở nên vô vị nếu sinh viên không có động cơ học tập đúng đắn.

Sau khi tìm hiểu các thông tin trên trang web chính thức của các trường đại học và báo chí chính thống tại Singapore, tôi được biết cách đào tạo đại học hiện nay đã biến kỹ sư thành một nghề thú vị và đầy cảm hứng.

Chẳng hạn như khi giải đáp thắc mắc của độc giả nhật báo The Straits Times về chương trình đào tạo của NTU, Giáo sư Louis Phee, Trưởng khoa ngành kỹ thuật đồng thời là Phó chủ tịch phụ trách đổi mới và khởi nghiệp của trường, cho biết trọng tâm của nghề kỹ sư là kỹ năng giải quyết vấn đề và sử dụng kiến thức để cung cấp giải pháp cho các vấn đề phức tạp. Ông đơn cử trường hợp bạn tò mò hỏi tại sao trên quả bóng golf lại có vết lõm hoặc tại sao những ngôi nhà lệch tầng lại bị hư hại nhiều hơn khi động đất, thì kỹ thuật có thể là lựa chọn đúng đắn. Nói ngắn gọn, khoa học kỹ thuật giúp trả lời các câu hỏi và thúc đẩy con người đặt những câu hỏi mới cũng như tìm ra giải pháp mới.

Học cách suy nghĩ như một kỹ sư

Theo giáo sư Phee, học cách suy nghĩ như một kỹ sư sẽ giúp sinh viên thay đổi quá trình tư duy, trang bị tư duy logic và khả năng phân tích phản biện, cải thiện kỹ năng ra quyết định, trở nên khách quan hơn và ít cảm xúc hơn khi làm việc. Ông nói: “Tất cả những kỹ năng này đều rất cần thiết trong thế giới nghề nghiệp, ở bất kỳ lĩnh vực nào. Vì vậy, các kỹ sư có xu hướng làm tốt hơn bất kể họ chọn lĩnh vực nào và họ cũng có xu hướng trở thành những nhà quản lý giỏi. Vì vậy, kỹ thuật là ngành phổ biến nhất cho bằng cấp ở bậc đại học của hầu hết các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 500”.

Về cốt lõi, các kỹ sư là những người giải quyết vấn đề – và những sinh viên học xong bằng kỹ sư sẽ có được kỹ năng và sự tự tin để giải quyết bất kỳ loại vấn đề nào, thậm chí bên ngoài cuộc sống làm việc.

Giáo sư Phee nói thêm: “Không có vấn đề gì – dù lớn đến đâu – dường như không thể vượt qua. Trên thực tế, bạn sẽ bắt đầu xem mọi vấn đề là một thách thức và một cơ hội để phát triển. Đây cũng là nền giáo dục cho hiện tại và tương lai, nơi chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, phức tạp, chẳng hạn như biến đổi khí hậu”.

Ông đưa ra viễn cảnh một ngày nào đó có một lớp phủ đặc biệt có thể biến mọi cửa sổ thành máy phát năng lượng đồng thời cách nhiệt cho các ngôi nhà, hoặc bê tông “tự phục hồi” cho phép các vết nứt trong tòa nhà và trên đường sá được sửa chữa chỉ bằng cách phản ứng với mưa.

“Những đổi mới như vậy đòi hỏi người ta phải khai thác sự kết hợp của các phương pháp kỹ thuật dân dụng, điện, vật liệu và hóa học. Theo nghĩa này, kỹ thuật không bao giờ nhàm chán mà chứa đầy những thách thức khác nhau, đòi hỏi những quan điểm khác nhau”, Giáo sư Phee nhận định.

Không rõ con gái tôi đã có bao giờ cảm thấy chương trình học nhàm chán không nhưng lắm khi tôi nhận thấy cháu từ trường về nhà với tâm trạng căng thẳng và nhiều đêm thức khuya để học bài hay làm đề án đến lúc chẳng muốn nói chuyện gì với ba mẹ. Thỉnh thoảng cháu cũng thổ lộ rằng có một vài môn thực sự rất khó và không ít sinh viên thi không đạt yêu cầu và phải thi lại.

Sang năm thứ ba thì có vẻ chương trình học nhẹ nhàng hơn vì cháu đi thực tập được trả lương tại một vài doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ in 3D và polymer là những lĩnh vực mà cháu cảm thấy thích thú. Cháu cho chúng tôi biết rằng sinh viên thực tập được sử dụng phòng thí nghiệm ngay tại cơ sở doanh nghiệp với những ứng dụng mới nhất liên quan đến hoạt động kinh doanh cụ thể.

Giờ đây, cháu đã hình dung được một doanh nghiệp liên quan đến ngành MSE phải vận hành như thế nào nhưng cũng phải học cách làm việc với trưởng phòng của một bộ phận nghiên cứu hay các nhà quản lý và nhân viên có liên quan trong doanh nghiệp để hoàn thành đề án tốt nghiệp dưới sự “chỉ đạo” của một giáo sư hướng dẫn. Tôi đoán kết quả đề án này sẽ được doanh nghiệp khai thác nhưng cũng tò mò tự hỏi liệu NTU cũng được chia lợi nhuận nếu đề án được thương mại hóa bằng con số cụ thể hay không?

Và chuyện liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp

Theo trang web của trường, NTU từ lâu đã có chính sách hợp tác khai thác phòng thí nghiệm tại trường và tại doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có thể tiếp cận đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên tốt nghiệp hay sau đại học để cùng đưa ra các báo cáo vấn đề cụ thể về sản xuất kinh doanh hoặc nghiên cứu thăm dò có liên quan trực tiếp đến ngành nghề. Doanh nghiệp có thể khai thác năng lực khoa học và công nghệ được xây dựng tại NTU để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Ngược lại, trường đại học đạt được tác động bằng cách phát triển các giải pháp tiên tiến cho các vấn đề mà ngành phải đối mặt. Sinh viên tích lũy kinh nghiệm trong ngành, chuẩn bị cho các em việc làm trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Về mặt vĩ mô, Chính phủ Singapore đã lập Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) khuyến khích và đồng tài trợ cho quan hệ đối tác Nghiên cứu – Phát triển (R&D) công – tư giữa các trường đại học và doanh nghiệp thông qua việc thành lập các phòng thí nghiệm doanh nghiệp trong các trường đại học. Các lĩnh vực nghiên cứu hướng tới hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh cho các công ty, tạo ra lợi ích kinh tế cho Singapore và tạo công ăn việc làm cho người dân. Doanh nghiệp có thể chọn thực hiện các dự án nghiên cứu một lần với trường đại học, còn phòng thí nghiệm chung và các trung tâm sẽ tăng cường hơn nữa sự trao đổi giữa giới học thuật và ngành nghề, thúc đẩy việc đưa ra giải pháp và sự linh hoạt của nhóm nghiên cứu trong việc thích ứng với các điều kiện thị trường luôn thay đổi (hình 2).

Trở lại với câu hỏi của bà xã, tôi vẫn chưa có câu trả lời liệu con gái có thể nhanh chóng tìm được việc sau khi ra trường và công việc cụ thể đó là gì. Nhưng có một đảm bảo chắc chắn rằng NTU nói riêng và các trường đại học tại Singapore luôn hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để khai thác sức mạnh tổng hợp từ giới học thuật và ngành nghề. Giúp cho sinh viên nhanh chóng có công ăn việc làm không chỉ là chuyện riêng của Bộ Giáo dục mà còn phải kể đến Bộ Công Thương luôn tìm hiểu nhu cầu và mối quan tâm của doanh nghiệp, Bộ Nhân lực đóng vai trò hỗ trợ trong việc phấn đấu phát triển lực lượng lao động có năng suất và nơi làm việc tiên tiến.

Về phần tôi, mặc dù sẽ không có lời khuyên cụ thể về chuyện con gái nên làm việc ở đâu sau khi nay mai lấy bằng kỹ sư, nhưng khi thuận tiện tôi sẽ chia sẻ với con gái sơ đồ về bốn kỹ năng mềm (hình 3) mà các nhà tuyển dụng tại Singapore vẫn luôn ưa chuộng – những kỹ năng đã giúp tôi tồn tại trên đảo quốc Sư tử bé nhỏ này từ hơn một phần tư thế kỷ nay để làm điều gì đó cho bản thân và đóng góp phần khiêm tốn của mình cho sự phát triển và thịnh vượng của quê nhà.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Lê Hữu Huy(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoc-nganh-nay-ra-truong-se-lam-gi/