Học ngành Nông nghiệp: Doanh nghiệp 'săn' sinh viên từ khi chưa tốt nghiệp

Gần 100% sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp sau khi ra trường đều có việc làm với mức thu nhập cao, phổ biến trong khoảng 8-11 triệu đồng/tháng.

“Học nông nghiệp để sau này về quê trồng lúa à?”, “Học gì không học lại đi học làm nông”, “Người ta học y, luật, kinh tế… còn trở thành bác sĩ, luật sư, doanh nhân. Chứ học nông nghiệp chỉ có về quê cày ruộng”....

Đây là những suy nghĩ chúng ta thường xuyên bắt gặp mỗi khi nhắc đến ngành học nông nghiệp.

Những định kiến như vậy đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ cha mẹ phụ huynh khiến các bạn trẻ bỏ qua một ngành học tiềm năng có nhiều cơ hội phát triển và mang lại thu nhập cao.

Đặt hàng tuyển dụng từ khi sinh viên còn trên ghế nhà trường

“Nhiều công ty thậm chí còn đặt hàng tuyển dụng ngay từ khi sinh viên của chúng tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường” - Tiến sĩ Chu Anh Tiệp, Trưởng bộ môn Canh tác học, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói về độ “hot” của chuyên ngành Nông nghiệp.

“Tại Việt Nam, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế có vị trí quan trọng với khoảng 60% dân số làm nông nghiệp, tuy nhiên nước ta lại thiếu lượng lớn các kỹ sư nông nghiệp có khả năng dẫn dắt và thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà phát triển.

Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp tại Việt Nam rất cao, trong khi lượng kỹ sư nông nghiệp ra trường hàng năm không nhiều, đặc biệt là các kỹ sư có năng lực nên các doanh nghiệp phải săn nguồn nhân lực chất lượng từ các trường đại học.

Doanh nghiệp nhỏ trong nước hay các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài đều đăng tin tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp thường xuyên. Nhiều sinh viên sau khi đi thực tập tại các công ty được giữ lại làm việc.

Với cơn “khát” từ thị trường như vậy, gần 100% sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp sau khi ra trường đều có việc làm với mức thu nhập cao, phổ biến trong khoảng 8-11 triệu đồng/tháng.

Một số người có kinh nghiệm làm việc, mức lương có thể lên đến 13-18 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, thị trường nước ngoài cũng có nhu cầu lớn về kỹ sư nông nghiệp có chuyên môn cao và sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam với mức thu nhập 40-45 triệu đồng/tháng tại Nhật Bản, 18-23 triệu đồng/tháng tại Lào, Campuchia, 30-34 triệu đồng/tháng tại các nước Trung Đông như UAE, Qatar, Kuwait… “ - Tiến sĩ Chu Anh Tiệp bổ sung thêm.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp rất lớn. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp rất lớn. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ngoài việc làm tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp trên cả nước, các công ty giống cây trồng, công ty phân bón, những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp thì sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có thể làm cán bộ, công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp như: Bộ/Sở/Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ/Sở/Phòng Khoa học và Công nghệ…

Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, viện, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nông nghiệp hoặc tự làm chủ trang trại, doanh nghiệp dịch vụ cây trồng và vật nuôi.

Sinh viên ngành Nông nghiệp nếu chịu khó tìm tòi nghiên cứu, áp dụng những kỹ thuật học được thì hoàn toàn có thể kiếm được một khoản thu nhập ổn định ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hoài Linh, sinh viên K60 ngành Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một ví dụ.

Sau kỳ thực tập đầu tiên, lớp của Linh được thực tập nghiên cứu về kỹ thuật trồng cây măng tây. Nhận thấy tiềm năng về kinh tế của giống cây này, Hoài Linh đã áp dụng những kỹ thuật học được để tự trồng trọt, canh tác tại quê nhà.

Hoài Linh đầu từ 3 sào măng tây sau nâng dần lên thành 5 sào, thành quả đạt được giúp Linh tự chủ về kinh tế và thu nhập từ khi còn là sinh viên năm 2 cho đến khi đã ra trường.

Nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn e dè trước lựa chọn ngành Nông nghiệp. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Nhiều cơ hội cho sinh viên ngành Nông nghiệp

Về việc đào tạo ngành học này, Tiến sĩ Chu Anh Tiệp cho hay: “Đối với ngành Nông nghiệp, mức điểm chuẩn của ngành luôn nằm ở mức chuẩn so với điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Vậy nên các em sinh viên đầu vào cũng có cùng nền tảng và chất lượng đào tạo như các ngành học khác... Chúng tôi cũng tự tin về chương trình đào tạo của mình luôn đào tạo ra chất lượng sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu của thị trường”.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thuộc khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chủ trương nâng cao chất lượng bài giảng, nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc tăng số giờ thực hành lên trong chương trình đào tạo khiến tỷ lệ thực hành chiếm nhiều hơn so với chương trình thường.

Tỷ lệ thực hành chiếm 50% trong các môn học và số lượng các môn thực tập nghề nghiệp, đồ án, khóa luận tốt nghiệp chiếm nhiều tín chỉ học hơn so với chương trình học thông thường.

Theo học ngành Nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được trang bị kiến thức tổng quát và chuyên ngành về nhiều lĩnh vực tổng hợp như: trồng trọt (kỹ thuật sản xuất, giống, bảo vệ thực vật…), chăn nuôi và thủy sản (giống, kỹ thuật sản xuất, thú y, vệ sinh môi trường…), cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản, quản trị sản xuất và kinh doanh sản phẩm, đặc biệt là phát triển tư duy, phát triển năng lực tự chủ và khởi nghiệp nông nghiệp...

Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội khám phá thực tế về các loại dịch hại trên cây trồng; sinh lý động - thực vật, thuốc bảo vệ thực vật, chọn tạo giống cây trồng; các kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, quản lý môi trường ao nuôi, khuyến nông, IPM trong bảo vệ thực vật… để từ đó có thể nắm rõ việc nhận dạng, giải thích, hướng dẫn và quản lý cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản để vận dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Ngoài đội ngũ giảng dạy với 68 giảng viên bao gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ có uy tín trong lĩnh vực Nông nghiệp, khoa Nông học và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, vườn ươm, phòng thí nghiệm đạt chuẩn… liên kết chương trình thực tập, thực hành cho sinh viên với các chủ trang trại, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp.

Sinh viên ngành Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hành thí nghiệm. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Với mức học phí đào tạo từ 11-12 triệu đồng/ năm, các gia đình không phải quá lo lắng về chi phi theo học.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam và khoa Nông học cũng tạo điều kiện cung cấp các suất học bổng du học, học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đan Mạch… cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, thành tích tốt trong học tập.

Hiện tại ngành Nông nghiệp tuyển sinh theo 3 hình thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Thí sinh muốn đăng ký vào ngành có thể lựa chọn 1 trong 4 khối thi A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A11 (Toán, Hóa học, Giáo dục công dân), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).

Hải Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ky-su-nong-nghiep-doanh-nghiep-san-sinh-vien-tu-khi-chua-tot-nghiep-post217517.gd