Học nhiều hơn từ nhân cách cao quý của Bác

Với những người trẻ, mỗi thước phim tư liệu, câu chuyện kể về tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là một bài học về tấm gương để học tập và noi theo. Báo Lao Động giới thiệu loạt bài về những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua từng công việc, việc làm cụ thể, thiết thực trong đời sống.

Từ những bài học về Bác Hồ, nữ giảng viên trẻ Thảo My đã có những bài học cụ thể cho cuộc sống. Ảnh: NV

Học Bác Hồ từ những điều nhỏ nhất

Là một giảng viên trong lĩnh vực dược tưởng như khô cứng nhưng cô giáo Nguyễn Hoàng Thảo My - Khoa Dược, Phó Bí thư đoàn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - lại gây bất ngờ khi có một tình cảm đặc biệt với các môn lý luận và đặc biệt là về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cô My kể, ngay từ nhỏ, bản thân đã rất thích những đoạn tư liệu về Bác cũng như lối sống và các tác phẩm của Người, đặc biệt là văn học. Đến khi đi học đại học và sau này làm giảng viên, cô My tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội và có nhiều cơ hội tham gia học tập theo tấm gương của Người.

Điều thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My tâm đắc nhất khi học Bác Hồ chính là cách sống, cách nghĩ và cách làm mọi thứ chỉn chu, nghiêm túc, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết cùng nỗ lực không ngừng học tập, sống trọn vẹn nghĩa tình, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chính từ đam mê và quá trình tích lũy đó mà nữ giảng viên đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu và đã xuất sắc đoạt giải Nhất ở khối giáo viên, sinh viên, giảng viên trong cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Cô giáo Thảo My cho biết, cuộc thi là một cơ hội cho tất cả mọi người học tập và vận dụng thực tế, nhất là với nền công nghệ 4.0 như hiện nay, việc có một bản lĩnh và nhân cách cao đẹp để phát triển bản thân và dựng xây đất nước là một điều đáng trân quý. “Tôi đến với cuộc thi để học nhiều hơn từ nhân cách cao quý của Bác. Bài viết dự thi của tôi có chủ đề về lao động với tựa đề “Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi”. Đó là những cảm nhận thật của tôi sau khi tìm hiểu và học tập tư tưởng, phong cách của Người” - giảng viên Nguyễn Hoàng Thảo My chia sẻ.

Áp dụng vào cuộc sống và trong giảng dạy

Qua học tập tấm gương về Bác, cùng những trải nghiệm thực tế của mình trong công việc, trong các chuyến tình nguyện, thực tế, cô giáo My nhận ra rằng lao động là vinh quang, là công việc suốt đời. Trong bài dự thi của mình, nữ giảng viên trẻ bày tỏ sự biết ơn với những giọt mồ hôi, công sức của người lao động; cả về trí óc lẫn chân tay. Việc tôn vinh và hiểu đúng về giá trị lao động trong xã hội hóa ngày nay chính là những trang sách cho thế hệ trẻ nhìn nhận, suy ngẫm và cống hiến cho đời. Từ đó, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành áp dụng những điều học được vào thực tế.

“Tôi đã áp dụng những gì học được từ Bác vào cuộc sống hằng ngày và trong công tác nghiên cứu, giảng dạy như tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy, tương tác nhiều hơn để hiểu rõ sinh viên cần gì, sẻ chia cùng các hoàn cảnh khó khăn qua các hoạt động từ thiện hằng năm và nỗ lực nghiêm túc trong công tác nghiên cứu để thuốc tốt và chất lượng sẽ đến được với người dân, đẩy lùi những gánh nặng bệnh lý của mọi người” - cô My cho hay.

Là học sinh phổ thông và đam mê hoạt động Đoàn, công tác xã hội, em Trần Ngọc Diệp - học sinh Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội - không ép buộc bản thân phải học một cách máy móc những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sách vở. Mỗi bài học, kinh nghiệm đều được cô học trò nhỏ liên hệ với thực tế để hiểu đúng hơn, nhớ lâu hơn, từ đó, có những kinh nghiệm riêng cho bản thân mình. Giành ngôi vị á quân của bảng dành cho học sinh phổ thông trong lần đầu tiên tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Diệp rất vui và tự hào. Thế nhưng theo nữ học sinh này, những điều em nhận về khi tham dự tìm hiểu và học tập về Người còn nhiều hơn thế.

Trần Ngọc Diệp cho biết: “Điều chân thật nhất mà em có thể học được từ cuộc thi này là việc tu dưỡng đạo đức như Bác Hồ từng nói “Tu dưỡng bản thân như rửa mặt hằng ngày”. Em luôn tự nói với bản thân phải làm như thế nào để trở thành con ngoan, trò giỏi. Điều đó phải được thực hiện hằng ngày, hằng giờ, không bao giờ được quên mục tiêu của bản thân hoặc lơi lỏng phút giây nào”.

TUỆ NHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/hoc-nhieu-hon-tu-nhan-cach-cao-quy-cua-bac-653032.ldo