Học phần TS 'rởm' không thể được công nhận, các trường ĐH phải có trách nhiệm

Luật sư Lê Bá Thường đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xử lý nghiêm trường hợp trường hợp tiến sĩ 'rởm' dạy 6 năm ở trường Hutech.

Việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng tiến sĩ, thạc sĩ "rởm" đi giảng dạy suốt 6 năm tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) và ở Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, ông Hải hướng dẫn đồ án/khóa luận tốt nghiệp cho 9 sinh viên của trường.

Ông Hải cũng giảng dạy ở một số trường đại học khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Rất nhiều vấn đề pháp lý đã nảy sinh trong vụ việc này, như các học phần của sinh viên do ông Nguyễn Trường Hải giảng dạy và hướng dẫn có được công nhận? Nếu không công nhận thì giải pháp giải quyết ra sao? Trách nhiệm của các trường đại học trong trường hợp này như thế nào?

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cuộc trao đổi với Luật sư Lê Bá Thường – Giám đốc Công ty Luật Một thành viên Dân Luật Tín Thành, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Luật sư Lê Bá Thường cho biết, đối với trường hợp bằng tiến sĩ, thạc sĩ của ông Nguyễn Trường Hải được xác nhận là không có trong dữ liệu của nơi cấp bằng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), mà ông Hải vẫn giảng dạy suốt 6 năm tại Hutech thì rõ ràng là cả nhà trường và ông Hải đều vi phạm vào quy định của tiêu chuẩn giảng viên đứng lớp dạy bậc đại học.

Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: NVCC)

Cụ thể, tại Khoản 3 của Điều 54, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định rõ: “Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là Thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng, trình độ của chức danh giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ”.

Trong vụ việc này, ông Nguyễn Trường Hải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Hải đã được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận không nằm trong dữ liệu cấp bằng, thì có nghĩa là ông Hải đã sử dụng bằng giả để giảng dạy tại Hutech và một số trường đại học nữa.

Chính vì thế, hành vi này của ông Hải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đối với Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech), ông Nguyễn Trường Hải là giảng viên tại đây (cho dù là thỉnh giảng) trong suốt 6 năm (từ năm 2016 đến 2022), mà nhà trường đã không kiểm tra, rà soát kỹ văn bằng, chứng chỉ khi tuyển dụng, ký hợp đồng với giảng viên vào dạy, là nhà trường đã làm sai với các quy định của pháp luật.

Căn cứ vào Điểm c, Khoản 1, Điều 24 của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ”.

Biện pháp khắc phục trong trường hợp này, Luật sư Lê Bá Thường nêu lên là Hutech nên thông báo công khai một thư xin lỗi sinh viên (những người đã từng được học với ông Hải), nhận lỗi về phía nhà trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng nên thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền lợi tối đa cho các em sinh viên này, có thể là áp dụng các mức giảm học phí với các em (những em chưa ra trường), hoặc trả lại tiền học phần (mà ông Hải dạy) cho các em sinh viên đã ra trường.

Dưới góc độ pháp lý, dư luận cũng rất mong cơ quan công an sẽ vào cuộc, điều tra để làm rõ vụ việc này, xử lý sai phạm là ông Nguyễn Trường Hải đã sử dụng bằng giả để đi dạy ở hàng loạt các trường học.

Luật sư Lê Bá Thường đánh giá: “Sinh viên đi học đóng học phí thì phải có được các bài học chất lượng, thì mới có những tấm bằng có chất lượng. Hành vi làm giả bằng thạc sĩ, tiến sĩ để giảng dạy cho sinh viên là rất nguy hiểm cho xã hội. Một người không có trình độ, chuyên môn, sử dụng bằng giả để đứng lớp giảng dạy cho sinh viên, có thể đưa vào xã hội những kiến thức sai lệch, nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, chất lượng đào tạo của sinh viên không được đảm bảo”.

Do vậy, Luật sư Lê Bá Thường đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xử lý nghiêm trường hợp này, để làm gương cho những trường hợp tương tự khác có thể xảy ra trong tương lai.

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Lê Bá Thường, một giáo sư là chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Việt Nam khẳng định, về mặt pháp lý, chắc chắn những học phần hay môn học mà ông Hải đã từng giảng dạy tại Hutech cho sinh viên là không thể được công nhận.

Theo vị giáo sư này, cần có một giải pháp hợp lý cho các em sinh viên có liên quan đến vụ việc này.

"Không nhất thiết phải học lại, nhưng khoa hay nhà trường có trách nhiệm tổ chức phụ đạo, kiểm tra lại cho các em đã từng học ông Hải. Mọi chi phí phát sinh thì sinh viên không phải chịu, thậm chí là nhà trường còn có thể phải bồi thường thêm cho sinh viên" - Vị Giáo sư nói trên nhấn mạnh.

Lí giải về nguyên nhân nhà trường phải bồi thường thêm cho các em sinh viên, thầy nói rằng do sinh viên phải mất thêm nhiều thời gian về việc này, rất ảnh hưởng đến tâm lý và tiến độ học tập.

Ông Nguyễn Trường Hải (sinh năm 1981) sử dụng bằng Thạc sĩ Tin học, bằng Tiến sĩ Khoa học máy tính không có trong dữ liệu của nơi cấp bằng, nhưng đã xin vào làm việc, giảng dạy, “qua mặt” rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xác nhận, ông Nguyễn Trường Hải chưa từng theo học bất cứ bậc học tại trường này.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-phan-ts-rom-khong-the-duoc-cong-nhan-cac-truong-dh-phai-co-trach-nhiem-post239604.gd