Học sinh bị điểm 0 trong trường hợp nào?

Bài viết tổng hợp các quy định về việc chấm điểm 0 đối với học sinh phổ thông và thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể bị cho 0 điểm trong một số trường hợp theo quy định sau đây.

Bài kiểm tra của học sinh tiểu học bị điểm 0 trong trường hợp nào?

Điều 7 đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá định kỳ như sau:

* Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Ảnh minh họa, nguồn: vtv.vn

* Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc:

Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ có bài kiểm tra định kỳ; Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau:

- Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập;

- Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự;

- Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Quy định này được áp dụng đối với học sinh tiểu học học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể:

Từ năm học 2020 - 2021 với học sinh lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 với học sinh lớp 2; từ năm học 2022 - 2023 với học sinh lớp 3; từ năm học 2023 - 2024 với học sinh lớp 4; từ năm học 2024 - 2025 với học sinh lớp 5.

Như vậy, học sinh tiểu học sẽ được nhận điểm 0 nếu làm bài quá kém.

Quy định về đánh giá điểm đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông

Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về hình thức đánh giá điểm đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông như sau:

Đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông:

- Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

- Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.

- Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.

- Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Đánh giá bằng điểm số:

- Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

- Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Hình thức đánh giá đối với các môn học:

- Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 01 trong 02 mức: Đạt, Chưa đạt.

- Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học quy định tại điểm a khoản này;

Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

Theo quy định này, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được nhận điểm 0 nếu làm bài quá kém.

Trường hợp chấm điểm 0 với bài thi trung học phổ thông

Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc trừ điểm đối với thí sinh vi phạm Quy chế thi như sau:

- Thí sinh bị khiển trách trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;

- Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;

- Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài;

- Cho điểm 0 (không): Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định;

- Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 (không) bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo;

- Việc trừ điểm bài thi nêu tại điểm c và d khoản 4 Điều 54 Quy chế do Trưởng ban Chấm thi tự luận quyết định căn cứ báo cáo bằng văn bản của Trưởng môn chấm thi tự luận.

Lưu ý: Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi quy định tại điểm d khoản 4 Điều 54 Quy chế.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-27-2020-TT-BGDDT-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-320659.aspx?anchor=dieu_7

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-22-2021-TT-BGDDT-danh-gia-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-485242.aspx?anchor=dieu_5

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-15-2020-TT-BGDDT-Quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-444173.aspx?anchor=dieu_54

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-06-2023-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-560877.aspx

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-bi-diem-0-trong-truong-hop-nao-post234710.gd