Học sinh cuối cấp lo lắng về các kỳ thi khi phải học online

Dù học online là giải pháp tốt trong thời kỳ dịch Covid-19, học sinh cuối cấp vẫn lo lắng vì cảm thấy không hiệu quả như học trực tiếp.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, lịch học của Thu Hà (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) tương đối dày đặc. Ngoài học thêm ở trường, Hà còn đến trung tâm, theo học tại lớp riêng của giáo viên và mua thêm khóa học online. Nhưng gần một tháng nay, lịch học xáo trộn hoàn toàn.

“Hiện tại, em chỉ học online, kể cả chương trình ở lớp hay học thêm. Lịch học giãn ra, em không vất vả chạy đến trường rồi đến nơi học thêm. Nhưng trong năm cuối cấp, không được học hành bận rộn khiến em hơi bất an”, nữ sinh 18 tuổi chia sẻ.

 Học sinh cuối cấp thấy lo lắng khi phải học online. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Học sinh cuối cấp thấy lo lắng khi phải học online. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Học online không hiệu quả như trực tiếp

Thu Hà thừa nhận vì dịch bệnh, nghỉ học là điều không thể tránh khỏi. Những lúc này, học trực tuyến giúp Hà cũng như các bạn không phải ngừng học hoàn toàn.

Hơn nữa, do năm ngoái trường đã triển khai dạy trực tuyến, Hà cũng theo các khóa ôn thi online nên việc học từ xa không quá xa lạ. Em đã biết cách sắp xếp thời gian để học hiệu quả hơn.

Là học sinh cuối cấp, Hà cơ bản tự học và học thêm hết kiến thức lớp 12. Hơn nữa, sống ở thành phố chật chội, học online giúp em hạn chế đi lại. Nhưng những điều đó không đủ để Hà hoàn toàn yên tâm ở thời điểm hiện tại.

“Em vẫn muốn đến trường để học cùng các bạn, cùng nhau nỗ lực và được giáo viên quan tâm sát sao. Việc ngày nào cũng ngồi trước màn hình, theo dõi bài giảng làm em thấy bồn chồn. Nhiều khi có chỗ không hiểu, em muốn hỏi cô hay quay ra hỏi bạn đều không có ai”, Thu Hà tâm sự.

Nữ sinh chia sẻ cảm giác vùi đầu học trong không gian tù túng, không có bạn bè, thầy cô bên cạnh khiến em bức bối. Em cũng lo lắng việc học online kéo dài như năm trước dẫn đến kỳ thi phải lùi lại.

Ngoài ra, cũng như phần lớn bạn học khác, Thu Hà đều gặp phải những vấn đề như rớt mạng, tự dưng “out” khỏi lớp, mỏi mắt, đau nhức người khi phải ngồi học lâu. Hà cho rằng những điều này cùng việc thiếu sự sát sao từ giáo viên khiến việc học trở nên không hiệu quả.

Thiếu giao tiếp với giáo viên cũng là điều Nguyễn Hà (học sinh lớp 9 ở Hà Nội) không hài lòng khi học online. Nữ sinh đánh giá khi không thể đến trường, việc học của em vẫn tương đối ổn.

Em cảm thấy thoải mái khi học ở nhà, không phải ra đường. Em cho rằng nếu tự giác và chăm chỉ học, em vẫn có thể có đủ kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Tuy nhiên, Nguyễn Hà thừa nhận việc đến lớp học trực tiếp vẫn giúp em thấy yên tâm và học hiệu quả hơn.

“Học trực tiếp, giáo viên kiểm soát được học sinh. Học sinh lại có thời gian để hỏi thêm những vấn đề mình chưa hiểu. Em cũng thích đi học trở lại, gặp gỡ, nói chuyện với bạn bè”, Nguyễn Hà chia sẻ.

Trong khi đó, Trung Công (học sinh lớp 9 ở Hà Nội) cảm thấy sốt ruột hơn nhiều khi các kỳ thi đang đến gần. Mỗi ngày, em học khoảng 2-3 tiết online theo chương trình của trường. Thời gian học không nhiều, mức độ tiếp thu không bằng trên lớp nhưng thành phố vẫn giữ nguyên việc thi 4 môn cho kỳ tuyển sinh lớp 10 khiến Trung Công lo lắng.

“Lúc học, em hay bị ‘out’ khỏi lớp, mọi người ồn ào, em nhức mắt vì nhìn màn hình nữa nên em thấy học trực tuyến không ổn lắm. Em chỉ mong đầu tháng 3, thành phố sẽ cho đi học trở lại”, nam sinh nói.

Học sinh cho rằng học ở lớp, các em tương tác với giáo viên nhiều hơn, học tốt hơn. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Giáo viên, học sinh gặp khó khăn

Không chỉ học sinh cuối cấp lo lắng vì phải học online khi còn mấy tháng nữa phải thi chuyển cấp, giáo viên cũng thừa nhận học trực tuyến không thể bằng trực tiếp.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá học online chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể thay thế phương pháp học truyền thống.

Trong khi đó, cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng công tác dạy học online năm nay bài bản và có sự chủ động hơn so với năm ngoái. Dù vậy, giáo viên, học sinh gặp không ít khó khăn.

Giáo viên vẫn lúng túng khi triển khai dạy học, gặp khó khăn khi sử dụng phần mềm với sự cố về mạng, cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, phương pháp giảng dạy phù hợp.

“Giáo viên vất vả hơn so với dạy trực tiếp. Việc chuyển đổi bài giảng để trình chiếu, chuẩn bị tài liệu, tương tác học sinh chưa đạt yêu cầu và mục đích dạy học. Giáo viên chủ động giảng, tổ chức lớp học về tri thức nhiều hơn nên đôi lúc nhàm chán vì không nói chuyện để phát triển kỹ năng, tạo động lực học nhiều như khi học trực tiếp”, cô Huyền Thảo giải thích thêm.

Trong khi đó, học sinh chưa có điều kiện tốt để học online như không gian yên tĩnh, thiết bị, mạng không tốt, gián đoạn, mất vài chỗ không nghe được, các em lại ngại, sợ phiền nên bỏ qua, không hiểu bài dẫn đến chán nản, không muốn học.

Nhưng cô cho rằng nếu giáo viên, học sinh có tâm thế chủ động dạy và học, chất lượng học online sẽ được cải thiện. Do đó, trước những lo lắng của học sinh cuối cấp khi chưa được đến trường, cô Thảo cho rằng đây là thời điểm tốt để các em phân chia thời gian học và ôn tập.

“Các em ở nhà, ít phải di chuyển, không vướng bận bởi những vấn đề khác. Đây là thời điểm tốt để tự học, bổ sung kiến thức. Nếu dịch còn kéo dài, tôi mong học sinh chủ động học, đặt kế hoạch, mục tiêu cụ thể để ôn tập. Khi dịch qua, các em sẵn sàng bước vào kỳ thi”, cô Huyền Thảo nhắn nhủ.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoc-sinh-cuoi-cap-lo-lang-ve-cac-ky-thi-khi-phai-hoc-online-post1186641.html