Học sinh đánh, sử dụng bạo lực với nhau, thầy cô và nhà trường đừng cố giấu

Có những trường học xảy ra chuyện học sinh đánh nhau nhưng giáo viên thường giấu nhà trường. Trường học cũng thường giấu chính quyền để tự xử lý nội bộ.

Bạo lực học đường, câu chuyện cũ nhưng luôn luôn nóng và vừa qua tại diễn đàn Quốc hội cũng được nhiều đại biểu quan tâm đề cập.

Thời gian qua, không chỉ học sinh nam mà một số học sinh nữ cũng dùng bạo lực với bạn một cách dã man. Điều đáng buồn hơn, nhiều học sinh có mặt nhưng lạnh lùng thờ ơ coi đây “không phải việc của mình”, số khác lại hò reo cỗ vũ, quay clip tung lên các hội nhóm.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Đã có khá nhiều chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học chỉ ra hàng loạt nguyên nhân và đưa ra giải pháp để chấn chỉnh. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn không chấm dứt.

Trong rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, người viết cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến bạo lực học đường khó chấm dứt là việc bạo lực bị giấu, bị bưng bít, giảm nhẹ mức độ từ cấp dưới đến cấp trên do lo sợ bị hạ thi đua, bị cắt khen thưởng.

Vì thế, người gây ra bạo lực không hề gì hoặc có bị phạt cũng chỉ như ‘muỗi” (cách nói của một số học sinh hiện nay) nên không đủ sức răn đe, không đủ làm gương cho nhiều người khác.

Để xảy ra bạo lực học đường, các trường bị xử lý không hề nhẹ

Theo dõi những vụ bạo lực bị truyền thông phản ánh, nhà trường để xảy ra bạo lực thì giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng thường bị xử lý khá nặng.

Hiệu trưởng, giáo viên trường mầm non Ngọc Sơn huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã bị kỷ luật khi để trẻ đánh nhau. [1]

Ngày 11/4/2019, xuất hiện trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một học sinh nữ mặc áo đồng phục trường Trung học cơ sở Cẩm Bình dùng tay, chân đánh một bạn nữ trước sự chứng kiến và cổ động của nhiều học sinh khác trong lớp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ra quyết định đình chỉ hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm trong vụ 2 học sinh đánh nhau trong Trường trung học cơ sở Cẩm Bình.[2]

Để học sinh đánh nhau, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chu Văn Thịnh đã bị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La phê bình nghiêm khắc vì chưa thực hiện tốt công tác quản lý học sinh, chưa có biện pháp quản lý và nắm bắt thông tin hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn để xảy ra việc học sinh của nhà trường xô xát, đánh nhau tại khu vực cổng trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh trong vụ việc và tinh thần của học sinh trong toàn trường, gây mất trật tự và dư luận không tốt trong xã hội.[3]

Mới đây, sáng 30/10, mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip ghi lại cảnh một học sinh nam bị bạn đánh tới tấp vào mặt và đầu ngay tại lớp học của Trường Trung học cơ sở Đống Đa, quận Bình Thạnh. Vụ việc có sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiêm túc phê bình ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Đống Đa và chỉ đạo tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn quận lưu ý về công tác quản lý học sinh, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát nhằm ngăn ngừa hiện tượng bạo lực học đường, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phát huy hiệu quả vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường [4]

Không ít trường cố che giấu bạo lực học đường

Là giáo viên có thời gian công tác trong ngành 30 năm ở nhiều môi trường giáo dục, người viết cho rằng, những vụ bạo lực bị đăng tải trên truyền thông chỉ là một phần nổi rất nhỏ trong của "tảng băng chìm".

Trong thực tế, có những trường học để xảy ra chuyện học sinh đánh nhau không ít.

Từ những vụ nhỏ như chửi bới, đe dọa rồi đấm đá, cào cấu đến những vụ dùng hung khí như côn, dao nhưng một số thầy cô vẫn thường tự xử lý nội bộ. Khi không thể giấu được, giáo viên mới báo cáo lên nhà trường.

Rồi, chính nhà trường cũng sẽ tìm cách giấu chính quyền địa phương để phân xử theo kiểu kín, giải quyết nội bộ giữa trường và 2 gia đình với nhau ở mức độ khá “ngọt ngào”. Chính điều này, đã làm cho bạo lực học đường mỗi ngày một âm ỉ và khó chấm dứt.

Cô giáo A. một đồng nghiệp của người viết (đề nghị không nêu tên) công tác tại một trường trung học cơ sở phía Nam cho biết: “Trường mình là trường chuẩn quốc gia mức độ 2, trường điểm của huyện, luôn thường xuyên nhận lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của ngành.

Vì thế, quy định của trường khá nghiêm khắc. Lớp nào để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, giáo viên sẽ bị trừ điểm thi đua. Thầy cô dù cố gắng đến đâu đôi khi cũng bị bất ngờ bởi những vụ bạo lực xảy ra giữa các học trò.

Có lần, lớp một giáo viên trong trường xảy ra việc 2 học sinh đánh nhau đến thâm bầm mắt. Vì sợ hạ thi đua, giáo viên chỉ giải quyết nội bộ là mời phụ huynh nhắc nhở.

Thế nhưng, chỉ thời gian sau, một trong 2 em bị đánh đã mang dao tới lớp đâm bạn, cũng may vết thương chỉ xước da do bạn tránh kịp. Lúc này, giáo viên buộc phải báo cáo nhà trường. Tuy thế, nhà trường cũng không báo công an vì nếu để sự việc vở lỡ, xem như bao phấn đấu trở thành công cốc.

Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm có nguy cơ bị kỷ luật. Vì vậy, nhà trường chỉ mời 2 gia đình lên giải quyết. Cậu học sinh đâm bạn cũng chỉ bị khiển trách nội bộ. Cũng từ đó, cậu bạn nổi tiếng trong trường vì ngổ ngáo, hung dữ nhưng chẳng ai dám đụng đến".

Cô giáo A. còn cho biết thêm, có những vụ bạo lực “may nhà trường phát hiện kịp thời không thì to chuyện”. “To chuyện” ở đây được hiểu là mọi người sẽ biết và mất hết thi đua.

Đó là việc học sinh rủ nhau đánh nhau theo kiểu nhóm hội, sử dụng côn, dao…chúng còn quay lại clip lưu trong điện thoại. Khi giáo viên tình cờ phát hiện ra cũng chỉ xử lý nội bộ là mời phụ huynh đến và nhắc nhở.

Che giấu bạo lực hoặc chỉ xử lý nội bộ kiểu “chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ xem như không có gì” ở nhiều trường học hiện nay, dẫn đến những học sinh gây ra bạo lực không bị xử lý một cách nghiêm khắc nên những học sinh này luôn có tâm lý bất cần và không sợ ai.

Vì thế, người viết và nhiều đồng nghiệp của mình đều cho rằng, khi một vụ bạo lực nào đó xảy ra (dù chỉ ở mức độ nhẹ) cũng cần được xử lý một cách công khai và nghiêm khắc những học sinh trực tiếp tham gia vụ bạo lực dù chỉ là đứng xem hay cổ vũ.

Khi học trò đã dùng tới hung khí để đánh nhau dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng nên báo công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời cho những hành động hung hãn về sau.

Muốn thế, người viết cho rằng không nên dùng hình thức kỷ luật giáo viên, kỷ luật hiệu trưởng, cắt thi đua nhà trường khi xảy ra bạo lực. Vì có nhiều trường học, thầy cô sợ bị kỷ luật sẽ dẫn đến việc bưng bít, giấu kín sự việc xảy ra. Điều này sẽ là nguyên nhân khiến bạo lực học đường không bao giờ chấm dứt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.baogiaothong.vn/hieu-truong-truong-mam-non-bi-ky-luat-vi-de-tre-danh-nhau-192235939.htm

[2] https://vtv.vn/trong-nuoc/quang-ninh-dinh-chi-hieu-truong-va-giao-vien-de-hoc-sinh-danh-ban-20190413004049673.htm

[3] https://giaoduc.net.vn/son-la-de-hoc-sinh-danh-nhau-hieu-truong-bi-phe-binh-nghiem-khac-post226156.gd

[4] https://vtv.vn/giao-duc/tp-ho-chi-minh-phe-binh-hieu-truong-sau-vu-hoc-sinh-danh-nhau-trong-lop-20231031020222407.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-danh-su-dung-bao-luc-voi-nhau-thay-co-va-nha-truong-dung-co-giau-post239134.gd