Học sinh đến trường được ăn bán trú ra sao?

Con đi học ở trường được ăn bán trú ra sao, thực phẩm thế nào là nỗi lo lắng của đa số phụ huynh. Tại Hà Nội, một số trường có nhà ăn, bếp nấu, một số trường chỉ có bếp nấu, học sinh ăn tại lớp và có cả những trường 2 không gồm: không cả nhà ăn, bếp nấu phải đặt suất ăn ở ngoài.

Học sinh THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân trong giờ ăn bán trú.

Học sinh THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân trong giờ ăn bán trú.

Ngay đầu năm học 2020-2021, đã có một số vụ nghi ngộ độc thực phẩm trong trường học như: 51 trẻ đau bụng, nôn… phải nhập viện ở Trường tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội) sau bữa ăn bán trú; hàng chục học sinh Trường tiểu học Bình Trưng Đông (TP HCM) nhập viện cấp cứu sau bữa ăn phụ ở trường… Hay như năm 2019, Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội), phụ huynh phát hiện túi chứa thịt gà bốc mùi, buộc nhà trường phải trả lại cho công ty cung ứng thực phẩm gây hoang mang cho phụ huynh.

Sau các sự cố kể trên, các công ty cung ứng thực phẩm lập tức bị đình chỉ để kiểm tra nguyên nhân.

Phóng viên Tiền Phong đã cận cảnh bữa ăn bán trú tại một số trường công lập và ngoài công lập.

Tại Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bữa trưa hôm nay có món gà chiên vừng, lạc rang muối, rau cải xào thịt bò, canh củ quả hầm xương gà và cơm gạo dẻo.

Suất ăn học sinh ngày 22/9

THCS Kim Giang là ngôi trường vừa được xây mới nên cơ sở vật chất khang trang, nhà ăn có quy mô lên tới 800 học sinh.

6 giờ 30 sáng, tổ bếp bắt đầu làm việc sơ chế rau củ, thịt cá chuẩn bị cho bữa trưa. Bếp ăn trong trường học phải đảm bảo quy định chế biến 1 chiều, nghĩa là khu đầu vào rửa đồ tươi sống cách biệt khu chế biến để tránh nhiễm khuẩn. Trường này còn làm lưới chắn côn trùng ở phòng bếp, tránh việc quá trình nấu nướng côn trùng bay vào đồ ăn.

Cơm, canh đều được nấu bằng máy. Máy nấu cơm này có công suất 80 kg gạo, đủ phục vụ cho khoảng 400 học sinh. Cơm, canh đều được nấu bằng máy. Máy nấu cơm này có công suất 80 kg gạo, đủ phục vụ cho khoảng 400 học sinh.

Bát sau khi học sinh ăn xong, được rửa bằng tay, sau đó cho vào tủ sấy nhiệt độ cao để tiệt trùng.

10 giờ 30 chia thức ăn vào từng khay

Y tế kiểm tra lại lần cuối

Tuy nhiên, để đảm bảo giãn cách, trường này chia giờ ăn thành 2 ca. Trong đó, học sinh khối 6-7, ăn ca 1 từ 11 giờ 15 đến 12 giờ kém 15. Học sinh lớp 8-9 ăn ca 2 từ 11 giờ 45 đến 12 giờ 20 phút.

Khoảng 10 giờ 30 phút, các nhân viên bếp bắt đầu lấy thức ăn ra các khay có nắp đậy. 11 giờ 15 học sinh đổ về bếp ăn. Để không chen lấn, xô đẩy, cô phụ trách bán trú yêu cầu học sinh xếp hai hàng đi qua cửa sát trùng tay. Mỗi em lấy 1 khay thức ăn, đi lấy cơm, canh. Sở dĩ, cơm canh được lấy sau cùng nhằm đảm bảo khi học sinh ăn vẫn còn nóng hổi.

Học sinh sát khuẩn tay trước giờ ăn

Bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang cho biết, khoảng 6 giờ sáng, Cty cung ứng bắt đầu giao thực phẩm tại trường. Trường có thành lập tổ kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào gồm: công đoàn, thanh tra, đoàn thanh niên, y tế, cha mẹ học sinh…

11 giờ 15 học sinh đổ về bếp ăn. Để không chen lấn, xô đẩy, cô phụ trách bán trú yêu cầu học sinh xếp hai hàng đi qua cửa sát trùng tay. Mỗi em lấy 1 khay thức ăn, đi lấy cơm, canh. Sở dĩ, cơm canh được lấy sau cùng nhằm đảm bảo khi học sinh ăn vẫn còn nóng hổi.

Sau khi kiểm tra cảm quan bằng mắt thường, tổ sẽ cân đo đủ số lượng đầu vào. Sau đó, cán bộ y tế dùng que test để kiểm tra nhanh thực phẩm. Mỗi loại thịt, cá, rau, bún, miến đều có que thử nhanh để phát hiện lượng thuốc sâu tồn dư, độ p.h; phooc môn…Các trường phải tuân thủ quy định lưu mẫu thức ăn đủ 24 giờ đề phòng có sự cố xảy ra.

Nhiều trường học sinh ăn tại lớp

Ở những trường không có nhà ăn nhưng vẫn có nhà bếp, thực phẩm được giao về trường nấu nướng và đến bữa, nhân viên phụ trách bán trú sẽ chuyển cơm về lớp chia cho học sinh. Học sinh nhỏ tuổi, được giáo viên, cô nuôi phục vụ bữa ăn tại chỗ. Sau đó, bàn được lau dọn, mở gập bàn ra, học sinh được lấy chăn gối về ngủ trưa dưới sự giám sát của cô chăm sóc bán trú.

Tại trường Tiểu học Kim Liên, có tới 2.800 học sinh ăn bán trú. Trường này được xây dựng khá lâu, quy mô nhà ăn không đủ đáp ứng nên tất cả học sinh được phục vụ ăn bán trú tại lớp.

Thức ăn sau khi được nấu xong, được chia vào trong các hộp kín đưa về từng lớp. Mỗi lớp học, có một cô phục vụ bán trú. Người này sẽ chia cơm, canh và cho học sinh ăn. Học sinh được ăn cơm thoải mái, có thể xin thêm thức ăn.

Mỗi lớp có một nhân viên phụ trách ăn, ngủ bán trú

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên cho biết, nhà trường phải công khai thực đơn trên website; Phụ huynh có thể đến trường kiểm tra bếp ăn. Sau khi học sinh ăn xong, bát được rửa bằng máy nước nóng và đưa vào máy sấy nhiệt độ cao.

Mỗi năm 2 lần đại diện nhà trường và phụ huynh đi kiểm tra nguồn gốc thực phẩm của các đơn vị cung ứng. Ví dụ như: trang trại chăn nuôi lợn, nơi sản xuất bún miến, đậu phụ, giá, nơi trồng rau củ…

Bát học sinh ăn xong được rửa bằng máy nước nóng và đưa về tủ sấy nhiệt độ cao

Đầu bếp nấu ăn cho học sinh bán trú phải có trình độ chuyên môn, được khám sức khỏe định kỳ.

Bà Xuân Mai cũng cho rằng, phụ trách bữa ăn cho học sinh là nỗi lo rất lớn cho những người quản lý. Vì nếu để xảy ra sự cố, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm rất lớn vì thế, ngoài giao trách nhiệm cho công ty cung ứng, nhà trường cũng giám sát chặt từ khâu nhận thực phẩm đến chế biến và đi đến từng bữa ăn học sinh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) thông tin, trường này chỉ có 38 phòng học trong khi học sinh đông, nhà chức năng cũng trở thành phòng học. Không có nhà ăn nhưng trường này vẫn có bếp ăn, do đó thực phẩm được giao nhận về trường từ 6 giờ sáng, sau đó chế biến và đóng hộp đưa về từng lớp cho học sinh. Mỗi suất ăn có giá khoảng 25.000 đồng gồm bữa chính và bữa phụ.

Ngoài ra, tại Hà Nội, một số trường trong quận nội thành diện tích chật hẹp, không có cả nhà bếp lẫn nhà ăn như quận Hoàn Kiếm, Hai bà Trưng...các trường này tổ chức ăn bán trú cho học sinh bằng cách đặt suất ăn ở các cty cung ứng suất ăn.

Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng cho biết, đặt suất ăn ở ngoài nhưng thực phẩm trường vẫn phải ký với công ty được cấp phép. Tổ giám sát an toàn thực phẩm kiểm tra quy trình chế biến tại bếp thường xuyên và định kỳ. Suất ăn sau khi nấu xong ở ngoài, được chia vào các hộp giữ nhiệt chuyển về trường sau đó đưa về từng lớp. Ban giám hiệu trường này quản lý, giám sát bằng cách ăn cùng học sinh bữa trưa hàng ngày.

Ở trường công lập là thế, ở khối trường ngoài công lập thì sao?

Trong mùa dịch COVID-19, trường này dựng vách ngăn bằng kính để chống giọt bắn. Học sinh có thể ngồi 4 em/ bàn nhưng không nói chuyện trực tiếp với nhau.

Hệ thống một trường liên cấp ở Hà Nội xây dựng nhà ăn có công suất lên tới 1.500 em.

Khác với trường công, học sinh chỉ ăn bữa trưa, bữa chiều thì học sinh ở đây được ăn 3 bữa/ ngày gồm: bữa sáng, bữa trưa và bữa chiều.

Sau mỗi ngày, hệ thống bếp được khử khuẩn.

Học sinh trường này ăn 3 bữa ở trường/ ngày và được hướng dẫn xếp hàng, tuân thủ giãn cách chống COVID-19 khi có dịch.

Học sinh được chia ca và sát khuẩn tay trước và sau khi ăn. Để tránh tập trung đông người cùng lúc, học sinh cũng được hướng dẫn xếp hàng, nhận đồ ăn, giãn cách theo quy định.

Hà Linh - Trọng Tài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/hoc-sinh-den-truong-duoc-an-ban-tru-ra-sao-1725682.tpo