Học sinh đến trường, 'học mà chơi'

Kỳ thi học kỳ II đang đến rất gần, bên cạnh những giờ học trên lớp, các hoạt động học tập trải nghiệm, ngoại khóa vẫn được nhiều trường học nỗ lực duy trì, tổ chức hợp lý, giúp học sinh đến trường thêm hứng thú.

Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh có thêm sân chơi bổ ích

Tại Trường THCS Long Phú (TX. Tân Châu, An Giang), các hoạt động của mô hình học tập trải nghiệm được tổ chức dưới dạng câu lạc bộ, nhiều chủ đề đa dạng. Thầy Phạm Thành Lẫm (giáo viên Tổng phụ trách Đội) cho biết, từng hoạt động được phân theo chủ đề như: “Vườn rau sạch”, “Dạ tiệc văn học”, “Tiết đọc sách tự quản”, “Thi sáng tạo robocon”… giúp các em có thêm kỹ năng sống, nâng cao chất lượng trong học tập. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, trường thực hiện và duy trì mô hình vườn rau sạch để gây quỹ, qua đó giúp 5 bạn nghèo có góc học tập gồm: bàn, đèn, tập vở.

Mô hình cũng là sân chơi khoa học cho học sinh nghiên cứu ứng dụng quản lý việc tưới phun bằng điện thoại thông minh. Vườn rau rộng 30m2 có mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, mỗi đợt gieo hạt, chăm sóc đến khi thu hoạch luôn thu hút học sinh hào hứng tham gia, càng hiểu hơn và trân trọng giá trị lao động.

Ngay tại trường, các đơn vị THCS Hòa Lạc, THCS Tân Hòa (Phú Tân) luôn dành thời gian cho học sinh tự học và nâng cao các bộ môn qua sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi sáng tạo. Không chỉ trao đổi cùng bạn bè về kiến thức môn học, các em còn được phát triển năng khiếu ca, múa, chụp ảnh, viết tin, thảo luận những đề tài thời sự, về những nhân vật, xu hướng giới trẻ đang yêu thích.

Trong tháng 6, nhiều trường học còn tổ chức cho học sinh du khảo về nguồn, với điểm đến là địa chỉ đỏ, di tích văn hóa, đình thần... Học sinh được học lịch sử địa phương, các danh nhân, anh hùng, liệt sĩ qua giới thiệu của giáo viên và tự tìm hiểu thêm ở tư liệu thực tế. Đặc biệt, mỗi nơi đến, đoàn thực hiện nghi thức chào cờ, hát quốc ca trang trọng, dâng hương, sau tham quan các em cùng dọn dẹp vệ sinh khu di tích.

Em Nguyễn Như Ngọc (học sinh lớp 7, huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết, rất thích tham gia hoạt động ngoài giờ vì có nhiều nội dung vui, nhẹ nhàng, bản thân có thêm nhiều hiểu biết ngoài sách vở. Cùng mục đích giáo dục lịch sử, một số trường tiểu học tổ chức thi tìm hiểu qua hình thức “Rung chuông vàng”, tranh tài các vòng theo đồng đội, giúp học sinh ôn tập kiến thức hiệu quả, đồng thời mở rộng hiểu biết về địa danh, nhân vật tại nơi sinh sống như tại huyện Châu Thành, đặc biệt là TX. Tân Châu, bên cạnh cuộc thi truyền thống của ngành giáo dục, các trường học cũng tổ chức quy mô cấp trường cho học sinh tham gia.

Do thời gian học năm nay kéo dài, các lớp kỹ năng, hoạt động vui chơi vốn được tổ chức trong hè nay được Đoàn Thanh niên, Liên đội trường sắp xếp đưa vào hợp lý. Tiêu biểu như: lớp học làm người có ích, lớp phổ cập bơi, lớp trải nghiệm làng nghề hoặc nghề nghiệp, thi hùng biện tiếng Anh, chương trình thắp sáng ước mơ, ngày hội đọc sách xây dựng phong trào xã hội học tập và các lớp giáo dục kỹ năng sống… đang được hầu hết các trường THCS và tiểu học thực hiện.

Vào ngày cuối tuần hay bất kỳ thời điểm nào thuận lợi trong tuần, nhà trường luôn tạo điều kiện để các em được vui chơi, gắn kết với lớp học, bạn bè. Song song đó là phát động học sinh tham gia phong trào nuôi heo đất, kế hoạch nhỏ, làm công trình để gây quỹ giúp đỡ các bạn nghèo, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh hoàn cảnh khó khăn; làm sản phẩm từ vật liệu tái chế, làm trang phục từ vật liệu nhựa góp phần bảo vệ môi trường.

Các buổi tuyên truyền pháp luật, nói chuyện chuyên đề được diễn ra linh hoạt và sinh động hơn, học sinh chủ động lắng nghe, tìm hiểu về tác hại ma túy và các chất kích thích; tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em; kỹ năng tự vệ và sơ cấp cứu khi có tai nạn… Nhờ vậy, những ngày học cuối học kỳ của “năm học đặc biệt” này vẫn đảm bảo cho học sinh không áp lực, cân bằng giữa học tập và vui chơi.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hoc-sinh-den-truong-hoc-ma-choi--a276393.html