Học sinh được giáo dục về chủ quyền biển, đảo như thế nào?

Thay vì những giờ lên lớp giảng 'chay' cho học sinh, các trường học ở TP Đà Nẵng đã sắp xếp cho các em học sinh đi tham quan các triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa để cho các em học sinh trải nghiệm và học tập ở nơi lưu giữ những tư liệu quý giá về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Các em học sinh tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương

Các em học sinh tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Lê Văn Chương

Quay lại sự kiện cách đây hơn 5 năm, đó là ngày 19-1-2014, Bộ Thông tin và Truyền thông chọn TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tổ chức các hoạt động triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Do sự kiện được tổ chức lần đầu tiên nên có rất nhiều cơ quan báo chí và truyền thông đưa tin sâu và nổi bật trên trang nhất. Sau khi sự kiện kết thúc, quan khách và giới báo chí rời điểm triển lãm thì đó là lúc học sinh ở các trường học trên địa bàn thành phố đến xem triển lãm.

Các cô giáo đưa học sinh đến xem triển lãm tổ chức cho các em xếp hàng vào tham quan từng điểm, lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết từng tờ bản đồ. Cả dòng người im phăng phắc khi nghe hướng dẫn viên chỉ vào một tờ bản đồ năm 1933 của Trung Quốc và diễn giải cụ thể: “Tấm Hoa Di đồ là bản rập lại từ một bản đồ khắc trên đá năm 1136, thời nhà Tống, ở Phúc Xương, nay thuộc tỉnh Hà Nam cho thấy, từ đảo Hải Nam trở xuống Biển Đông không có khu vực nào là thuộc Trung Quốc...”.

Học sinh được các nhà trường tổ chức đến tham quan rất đông, nên học sinh trường này tham quan xong thì kế đến là học sinh của trường khác. Trước khi rời điểm trưng bày, các em học sinh cử đại diện lớp ghi cảm tưởng, nhấn mạnh điểm ghi nhớ sau lần tham quan.

Ngày 28-3-2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa ở TP Đà Nẵng chính thức mở cửa đi vào hoạt động. Trong không gian nhà trưng bày tập trung tương đối đầy đủ các tư liệu lịch sử đến những hình ảnh mới nhất về quần đảo Hoàng Sa, hình ảnh ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tôi có mặt tại Nhà trưng bày Hoàng Sa vào đầu tháng 11 và chứng kiến không khí học sinh đến tham quan, học tập lịch sử giống như hình ảnh 5 năm về trước tại điểm triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Điểm đầu tiên các em tham quan là căn phòng trưng bày các bản đồ các thể địa lý tại quần đảo Hoàng Sa. Căn phòng này trưng bày những tấm bản đồ kích thước lớn về hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và những tấm ảnh nhỏ giới thiệu các loại sinh vật trên đảo như rùa, các loại cây cối, các rạn san hô. Kết thúc việc giới thiệu căn phòng đầu tiên, cô Đào Thị Trúc Giang, hướng dẫn viên hỏi các em: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng như thế nào?”. Các em nhỏ đồng thanh trả lời: “Dạ, thưa cô, quần đảo Hoàng Sa là một huyện thuộc TP Đà Nẵng”.

Tại tầng 2, hình ảnh gây ấn tượng đối với các học sinh của Trường Tiểu học Phan Thanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đó là những chiếc thuyền của đội lính Hoàng Sa đặt trong tủ kính. Cô Giang nói với các em chuyện lính Hoàng Sa thời trước theo lệnh của triều đình hằng năm ra trấn giữ Hoàng Sa, rồi đặt bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền, khi trở về thì thu lượm hải vật. Nhiều cánh tay nhỏ giơ lên khi kết thúc phần giới thiệu về đội lính Hoàng Sa và cô Giang hỏi: “Các em có biết lính Hoàng Sa mang theo sợi dây mây để làm gì không? Các em có biết hằng năm triều đình cử lính ra quần đảo Hoàng Sa để làm nhiệm vụ gì?”. Mỗi em học sinh đứng lên thuật lại sự hiểu biết của mình, nói về những chiếc thẻ bài, sợi dây mây của lính Hoàng Sa khi ra giữ đảo.

Cô Phạm Thị Ánh Tuyết, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Phan Thanh chia sẻ, hôm trước, nhà trường thông báo sẽ cho các em đi tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa thì có em không ngủ được vì háo hức.

Em Mai Ngọc Duyên, học sinh Trường Tiểu học Lê Lai ghi cảm xúc tại triển lãm. Ảnh: Lê Văn Chương

“Cháu hiểu gì về quần đảo Hoàng Sa?” - Tôi hỏi nhỏ vài học sinh và nhận được câu trả lời rất chắc chắn: “Dạ, ở lớp cô giáo dạy, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và đến đây, chúng cháu hiểu biết hơn, từ thời triều Nguyễn đã có lính ra giữ đảo và sau này, chúng cháu sẽ có nhiều đóng góp để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”.

Hai lần tôi gặp học sinh Trường Tiểu học Lê Lai trong khoảng thời gian cách nhau 5 năm, tôi lần giở lại những tấm ảnh chụp cuốn sổ ghi dòng cảm xúc tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra vào năm 2014, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc đó ghi 8 dòng, thể hiện biết ơn các nhà nghiên cứu đã sưu tập tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Còn phần lớn các em học sinh ghi dòng cảm xúc khoảng 5 dòng, dù là học sinh tiểu học, nhưng em nào cũng viết ra suy nghĩ rất rắn rỏi, khẳng định tình yêu biển, đảo và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoc-sinh-duoc-giao-duc-ve-chu-quyen-bien-dao-nhu-the-nao/