Học sinh F0 tăng gấp 3, TP.HCM lập đường dây nóng việc đi học trực tiếp

Chiều 24/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay dù lường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng ngành giáo dục thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch dạy học trực tiếp, cùng tăng cường công tác phòng chống dịch khi học trực tiếp. Khi có văn bản của Bộ Y tế hướng dẫn cách ly F0, F1, ngành giáo dục đã quán triệt triển khai thực hiện. Hiện thành phố đã có văn bản hướng dẫn các kịch bản chống dịch trong trường học, tăng cường phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho học sinh và trẻ em.

Theo ông Trọng, hiện ngành giáo dục triển khai song song học trực tiếp và học trực trực tuyến (dành cho học sinh vì nhiều nguyên nhân không tới trường hay chưa đạt sự đồng thuận của phụ huynh).

Theo quy định mới, khi xác định F1 nếu tiêm đủ vắc xin vẫn phải nghỉ học ở nhà 5 ngày, do đó số học sinh học trực tiếp và trực tuyến biến động liên tục. Việc chuyển đổi này chắc chắn phát sinh khó khăn cho học sinh và việc dạy học của nhà trường. Học song song trực tiếp và trực tuyến cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Học sinh TP.HCM học trực tiếp (Ảnh: Thanh Tùng)

“Ngành giáo dục đã chỉ đạo khi các em cách ly xong trở lại học trực tiếp thì phải bồi dưỡng kiến thức để học sinh theo kịp. Về xử lý F1 và liên quan đến xét nghiệm học sinh liên quan đến F0, việc xác định F1 và tổ chức xét nghiệm là do trạm y tế cơ sở phối hợp với nhà trường xét nghiệm. Kit test trang bị cho các cơ sở giáo dục, trạm y tế để xét nghiệm F1 khi trong lớp có F0, giải quyết bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục”- ông Trọng nói.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM nhấn mạnh, trong ngày qua số ca trẻ em nhiễm Covid-19 tăng cao. Cụ thể tuần từ 14-21/2, tăng gấp 3 lần so với tuần trước 7-13/2, điều này ảnh hướng lớn đến sức khỏe trẻ em, cuộc sống gia đình và ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em.

“Chúng ta phải nhận thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng trẻ em là trên hết. Thành phố đã có kế hoạch để chăm sóc trẻ em bị nhiễm, cụ thể là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ”- ông Hải nói.

Theo ông Hải, chiến dịch đó là cung cấp số điện thoại để tư vấn từ xa giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và thân nhân trẻ em, học sinh; Tập huấn cho giáo viên biết các dấu hiệu nhiễm Covid-18 để xử lý; Tập huấn cho hệ thống y tế, trung tâm y tế, các bệnh viện, bệnh viên Nhi tiếp nhận và điều trị; Phân tầng điều trị và hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần điều trị; Xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng; Tăng cường truyền thông để mọi người hiểu biết tình hình; Sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.

Ông Hải nhấn mạnh về việc đi học của trẻ em hiện Bộ Y tế có công văn số 796 ban hành ngày 21/2, sau đó UBND thành phố cũng ban hành công văn 548 ngày 22/2 đã hướng dẫn rất cụ thể công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy và học trực tiếp.

Là trẻ em nên việc thực hiện quy định phòng bệnh chắc chắn còn hạn chế, vì vậy ông Hải đề nghị phụ huynh hỗ trợ, hướng dẫn chăm sóc tốt hơn cho trẻ em. Đồng thời thường xuyên trao đổi với nhà trường để cùng nhau quyết định chăm sóc sức khỏe cho trẻ và quyết định phương thức học tốt nhất, hiệu quả nhất.

Hồ Văn-Minh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/duong-day-nong-cho-phu-huynh-viec-di-hoc-truc-tiep-818361.html