Học sinh làm giả văn bản của Sở GD&ĐT, bị phát tán trên mạng xã hội

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định xử phạt một học sinh 3,75 triệu đồng vì cắt ghép, chỉnh sửa, giả mạo văn bản của Sở GD&ĐT, sau đó văn bản giả mạo này bị phát tán trên mạng xã hội.

Liên quan đến vụ việc này, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Trong sự việc này, học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của của việc giả mạo văn bản dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục địa phương, khiến nhiều học sinh khác hoang mang.

Tất nhiên, lỗi đến từ phía học sinh nhưng trong sự việc này nhà trường cũng khó có thể vô can khi chưa đẩy mạnh công tác giáo dục bộ quy tắc ứng xử về văn hóa học đường, chưa giúp các em nhận thức được mặt trái của mạng xã hội. Rõ ràng, khi sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục là học sinh đã vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử”.

Thông tin giả mạo về việc thi lại được phát tán trên mạng xã hội

Thông tin giả mạo về việc thi lại được phát tán trên mạng xã hội

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì cho biết: “Môi trường giáo dục là môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng.

Quy định tại điều 4 của Thông tư 06 chính là mang tính định hướng như vậy khi nêu rõ: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục””.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, quy định trong bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cở sở và mang tính chất xây dựng...

“Tôi muốn nói thêm, quy định tại Thông tư 06 là quy định khung, từ quy định mang tính chất khung này, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các bộ quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở. Tôi tin rằng, khi cụ thể hóa, các định hướng về việc sử dụng mạng xã hội tại từng cơ sở sẽ được thực hiện phù hợp và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.

Trước đó, vào cuối chiều 25/6/2020, trên mạng xã hội xuất hiện, lan truyền một văn bản mạo danh Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.

Văn bản này có nội dung xuyên tạc về việc lộ đề kì thi khảo sát chất lượng của học sinh Vĩnh Phúc, dẫn đến phải tổ chức thi lại vào các ngày sau đó.

Thông tin có ảnh hưởng đến hàng chục nghìn học sinh lớp 10, 11 nói riêng, lập tức gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức các biện pháp nghiệp vụ truy xét, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan.

Qua biện pháp nghiệp vụ và đấu tranh, xác minh, Công an tỉnh xác định có 3 trường hợp liên quan đến vụ việc, đều là học sinh lớp 11 của một trường THPT thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Trong đó, học sinh NVA (tên học sinh đã được thay đổi), có một chút kiến thức về công nghệ và sử dụng mạng, đã nghĩ ra việc tạo một sản phẩm thông tin trên mạng để trêu đùa các bạn trong nhóm chat facebook.

Ngày 25/6, học sinh này đã sử dụng các ứng dụng từ điện thoại, tạo lập văn bản giả mạo của Sở bằng cách cắt, ghép, chỉnh sửa, tạo ra nội dung thông báo học sinh khối 10, 11 phải thi lại do lộ đề. Sau đó, NVA đăng trên nhóm chat.

Trong quá trình điều tra, NVA đã thành khẩn khai nhận do hiếu động, nghịch ngợm và nhận thức về pháp luật còn hạn chế dẫn đến sự việc đáng tiếc nêu trên.

Hai học sinh còn lại được xác định do vô ý đã chia sẻ văn bản giả mạo trên của VNA.

Các trường hợp đã nhận thức được việc làm như trên là vi phạm pháp luật, đã tự gỡ bỏ hình ảnh giả mạo khi các bạn cùng lớp có ý kiến.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/van-hoa-hoc-duong/hoc-sinh-lam-gia-van-ban-cua-so-gd-dt-vinh-phuc-bi-phat-tan-tren-mang-xa-hoi-261876.html