Học sinh lớp 10 được thay đổi môn học lựa chọn vào cuối năm học

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông lớp 10 mới, học sinh phải đăng ký các môn học tự chọn từ khi bắt đầu vào lớp 10. Tuy nhiên qua một kỳ học, nhiều em nhận thấy sự lựa chọn chưa phù hợp nên có nguyện vọng thay đổi.

Trước thực tế này, mới đây, ngày 6/1/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông. Đây là phương án tạo thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập.

Giờ học môn Vật lý của học sinh lớp 10 Trường THPT Yên Thế.

Giờ học môn Vật lý của học sinh lớp 10 Trường THPT Yên Thế.

Theo đó, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn sẽ được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Các em có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó. Việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần được giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước và đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh, bảo đảm cho học trò có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.

Được biết, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10. Các em phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng, an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Cùng đó, mỗi học sinh phải chọn 3 trong số 9 môn tự chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Việc này có ý nghĩa quan trọng để học sinh được định hướng nghề nghiệp từ sớm.

Bắc Giang hiện có gần 19 nghìn học sinh lớp 10. Để thuận lợi cho học trò, các trường THPT đều có từ 4-6 nhóm môn học lựa chọn phù hợp với điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho các em học tập đạt hiệu quả. Đó là nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Qua rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có 20 học sinh có nguyện vọng thay đổi môn học. Trong đó có một số em chuyển trường (do gia đình chuyển nơi ở) phải thay đổi môn học tự chọn do nơi học mới không có môn học đã lựa chọn từ trường cũ, nhất là nhóm Nghệ thuật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có 3 trường THPT có đủ hai môn âm nhạc và mỹ thuật.

Đến thời điểm này, một số trường không có học sinh thay đổi nguyện vọng như: THPT Yên Thế, THPT Lục Nam. Cô giáo Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chú trọng tư vấn, định hướng, phân lớp theo tổ hợp các môn học. Giáo viên chủ nhiệm được phân công nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để có phương án giảng dạy hiệu quả nên đến nay chưa có học sinh nào muốn thay đổi môn học”.

Đối với những học sinh có nguyện vọng thay đổi môn học, các trường sẽ xem xét điều chỉnh khi kết thúc năm học bảo đảm quyền lợi cho các em cũng như phù hợp với nhiệm vụ đánh giá, nhận xét, cho điểm. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng phương án bổ sung kiến thức cho học trò khi thay đổi từ môn học này sang môn học khác, đồng thời yêu cầu học sinh nêu cao ý thức tự học để có đủ năng lực tiếp nhận kiến thức ở môn học mới.

Các nhà trường lưu ý phụ huynh, học sinh cần nghiên cứu kỹ bởi khi thay đổi môn học sẽ phải học lại từ đầu môn học mới. Khối lượng kiến thức được học trong một năm học rất nhiều, phải nỗ lực thực sự mới theo kịp các bạn.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/397704/hoc-sinh-lop-10-duoc-thay-doi-mon-hoc-lua-chon-vao-cuoi-nam-hoc.html