Học sinh, sinh viên hưởng lợi gì khi tham gia bảo hiểm y tế?

Học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được sự hỗ trợ từ Nhà nước vừa có được sự chia sẻ về tài chính khi không may gặp rủi ro về sức khỏe.

Trong niên học 2017 - 2018, Quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 237 trường hợp học sinh, sinh viên với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên. Ảnh: Internet.

Được chi trả gần 1,8 tỷ đồng

Theo ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), trong niên học 2017 - 2018, Quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 237 trường hợp học sinh, sinh viên với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên.

Đặc biệt, trong số đó có 1 học sinh ở quận Lê Chân, TP. Hải Phòng tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới gần 1,8 tỷ đồng. Cụ thể, học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị vì học sinh này tham gia BHYT nên qua 6 đợt điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đã được chi trả toàn bộ số tiền lên tới gần 1,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền thuốc Kedrigamma được Quỹ BHYT thanh toán là khoảng 720 triệu đồng.

Cũng theo ông Đàm Hiếu Trung, mức chi trả 1,8 tỷ đồng của học sinh trên tương đương với mức đóng BHYT của hơn 3.400 học sinh, sinh viên (khỏe mạnh không phải dùng đến chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT).

“Trường hợp của học sinh này chưa phải là mức chi trả khám chữa bệnh cao nhất của Quỹ BHYT, nhưng là mức chi trả cao nhất đối với đối tượng học sinh, sinh viên trong thời gian qua”, ông Đàm Hiếu Trung cho biết thêm.

Nhấn mạnh hơn về lợi ích khi học sinh, sinh viên tham gia BHYT, ông Đàm Hiếu Trung cho biết, với tấm thẻ BHYT, các em học sinh, sinh viên khi không may bị ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.

Lợi ích lâu dài

Theo BHXH Việt Nam, hiện mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng và học sinh, sinh viên chỉ phải đóng 70% còn lại. Như vậy, mỗi tháng đối tượng này sẽ chỉ phải đóng 43.785 đồng, với phương thức đóng linh hoạt định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Về tuyến khám chữa bệnh, học sinh, sinh viên được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương. Các cơ sở này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.

Cũng theo BHXH Việt Nam, trường hợp địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám chữa bệnh ban đầu thì học sinh, sinh viên thường trú, tạm trú được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, T.Ư.

Học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường (sơ cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập); được khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; được thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với học sinh, sinh viên có mã thẻ BT, HN, DT, DK, XD và TS trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; được thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo tỷ lệ, điều kiện thanh toán theo quy định…

Đáng chú, học sinh sinh viên sẽ được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh khi học sinh sinh viên có mã thẻ BHYT là: BT, HN, DT, DK, XD, TS; khám chữa bệnh tại tuyến xã; tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng).

Đối với trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Để thực hiện mục tiêu 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT trong năm 2018 và duy trì tỷ lệ bền vững, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để vận động học sinh sinh viên tham gia BHYT, trong đó chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT.

Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại danh sách học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động học sinh sinh viên tham gia BHYT đầy đủ.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-ho-tro-cho-hoc-sinh-sinh-vien-khi-tham-gia-bao-hiem-y-te.aspx