Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh rộn ràng bước vào năm học mới

Trong bối cảnh tăng cường phòng chống dịch COVID-19, lễ khai giảng ở các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn trang trọng và ý nghĩa.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (quận 9) trong ngày khai giảng. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (quận 9) trong ngày khai giảng. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Cùng cả nước, sáng 5/9, các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông của Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt khai giảng năm học mới 2020-2021.

Trong bối cảnh tăng cường phòng chống dịch COVID-19, lễ khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn trang trọng và ý nghĩa.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các trường tổ chức lễ khai giảng không quá 60 phút, với các nội dung chính như văn nghệ chào mừng, nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường, khen thưởng...

Các khối lớp chỉ cử đại diện từ 10 đến 20 học sinh tham dự lễ khai giảng, riêng học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) tham dự đầy đủ.

Các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức khai giảng dưới hình thức "Bé vui đến trường" một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng cơ sở giáo dục mầm non và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường, học sinh, giáo viên và khách mời đến tham dự khai giảng đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), lễ khai giảng diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như văn nghệ tri ân y bác sỹ trong mùa dịch COVID-19, tặng mũ bảo hiểm cho học sinh…

Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ buổi lễ khai giảng năm nay nhà trường tổ chức với tinh thần khẩn trương, nhanh gọn nhưng vẫn đầy ý nghĩa để các em học sinh bước vào năm học mới với một tâm thế vui tươi nhất. Thay vì học sinh biểu diễn văn nghệ giáo viên ở dưới cổ vũ như mọi năm thì năm nay giáo viên sẽ hát cho học sinh nghe.

Còn tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, sau các tiết mục văn nghệ sôi nổi, lễ khai giảng chính thức bắt đầu bằng nghi thức đón hơn 430 học sinh lớp 10.

Lễ chào cờ tại lễ khai giảng năm học mới của Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Sau lễ chào cờ trang trọng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Văn Hiếu đã đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành giáo dục dịp đầu năm học 2020-2021.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến chung vui cùng thầy và trò nhà trường và đánh trống khai trường, bắt đầu một năm học mới.

Năm học 2020-2021, Trường Trung học Lê Quý Đôn có hơn 1.200 học sinh. Trong phần phát biểu khai giảng ngắn gọn của mình, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhắn nhủ các em học sinh của trường, nhất là các em mới bước vào lớp 10: “Chúng ta không chỉ “học để biết” mà còn 'học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.' Với mô hình giáo dục chất lượng cao và sứ mệnh đào tạo người học phát triển toàn tiện, tôi tin các em sẽ nối tiếp truyền thống vẻ vang của bao thế hệ đi trước."

Trong ngày khai giảng, các em học sinh Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (quận 9) cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ vui tươi.

Thầy Vũ Như Ngọc Phách, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong mùa dịch nhưng lễ khai giảng cũng được tổ chức vui tươi để các em học sinh, nhất là học sinh đầu cấp thật thoải mái, phấn khởi khi bước vào năm học mới. Trong năm học mới, tập thể nhà trường tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, với tinh thần chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

Trước đó, để đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh, ngành giáo dục thành phố yêu cầu các trường học tổng vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng dịch trước khi đón học sinh; không chỉ là dịch COVID-19, nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Chia sẻ về mục tiêu trong năm học mới 2020-2021, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh ngành giáo dục thành phố tiếp tục tập trung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới từ hình thức, phương pháp dạy và học đến kiểm tra đánh giá, trong đó không đặt nặng việc ghi nhớ kiến thức lý thuyết mà chú trọng kỹ năng ứng dụng lý thuyết vào thực tế cuộc sống. Cùng với đó, ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ theo quy chuẩn mới.

Năm học này, thành phố vẫn giữ nguyên mức thu như các năm trước. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu, ngoài các khoản học phí, các khoản được phép thu, trường học không được thu khoản không hợp lý, kể qua thông qua danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Năm học 2020-2021, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Việc đảm bảo chỗ học cho mọi học sinh trên địa bàn tiếp tục là một áp lực lớn đối với thành phố, khi số học sinh năm nay tăng mạnh, hơn 54.000 em so với năm học trước.

Để đáp ứng yêu cầu năm học mới, thành phố thực hiện 90 dự án xây mới, cải tạo trường học và đưa vào sử dụng hơn 1.300 phòng học mới; tuyển gần 7.000 mới.

Mục tiêu cuối năm 2020, thành phố hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học./.

Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hoc-sinh-thanh-pho-ho-chi-minh-ron-rang-buoc-vao-nam-hoc-moi/661386.vnp