Học sinh THPT học trước chương trình đại học: Hướng mở cho học sinh xuất sắc

Học sinh có năng lực vượt trội, nếu đủ điều kiện và nguyện vọng có thể đăng ký học trước chương trình đại học. Đây là cơ chế mở, không những làm tăng cơ hội mà còn tiết kiệm thời gian học ĐH sau này cho học sinh.

Bước đột phá

Theo cơ chế đặc thù, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai cho học sinh THPT đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo đại học, ban đầu áp dụng với các trường chuyên trực thuộc, nhưng hiện đã mở rộng cho học sinh trường THPT trực thuộc và học sinh trường THPT chuyên cả nước.

Học sinh xuất sắc cấp THPT được học trước chương trình đại học sẽ mở ra cơ hội tốt cho các em

Học sinh được đăng ký từ học kỳ II lớp 11, nếu đạt loại giỏi trở lên ở học kỳ trước đó. Kết quả học tập được bảo lưu, học sinh được miễn tín chỉ nếu sau này trúng tuyển vào các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đến nay, gần 50 học sinh trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, THPT chuyên Khoa học tự nhiên đăng ký theo học chương trình này.

Còn tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thời điểm gần nhất vấn đề này được đưa ra là tại hội nghị thường niên của đơn vị được tổ chức vào cuối tháng 12/2023. Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2024, đơn vị sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo phương thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Chương trình không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu mà hướng tới những học sinh có tài năng vượt trội tại tất cả các cơ sở giáo dục THPT.

"Nếu đề án được triển khai, những học sinh tài năng có thể rút ngắn quá trình học đại học, tối đa được một năm. Quan trọng, đây là cơ hội để học sinh được làm quen môi trường đại học, sớm có định hướng nghề nghiệp", PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định và cho rằng, đó là cách thức tạo ra đột phá trong giáo dục đại học, không đi theo mô hình tuyến tính truyền thống.

Học sinh THPT học trước chương trình đại học là việc không còn lạ, thậm chí khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, tại ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ. Việc học trước chương trình đại học giúp học sinh có trải nghiệm nghề nghiệp, lấy bằng đại học sớm 1- 2 năm, tiết kiệm nguồn lực cho gia đình và xã hội.

“Nếu một số trường THPT ngoài công lập thực hiện liên kết giáo dục với các trường ĐH nước ngoài có cơ chế cho học sinh học chương trình dự bị đại học thì đại học tại Việt Nam cũng nên mở rộng để học sinh THPT xuất sắc được học chương trình đại học sớm. Điều này mở ra nhiều cơ hội học tập và tạo công bằng trong giáo dục”, anh Nguyễn Tuấn Dũng, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nêu quan điểm.

Cần chặt chẽ hơn về điều kiện đăng ký

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ ngày ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành chủ trương, đến nay Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn có hơn 20 học sinh đăng ký học trước chương trình đại học; trong đó năm học 2022 – 2023 có 7 học sinh đăng ký, năm học 2023 – 2024 có 8 học sinh đăng ký.

Đến nay, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có hơn 20 học sinh đăng ký học trước chương trình đại học

Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng có văn bản công khai hướng dẫn học sinh THPT đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo đại học tại trường ĐH KHXH&NV.

Theo đó, học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội và học sinh THPT chuyên cả nước bắt đầu từ học kỳ 2 lớp 11 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nếu đảm bảo các điều kiện: Có kết quả học tập tối thiểu loại Giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước; được Hiệu trưởng trường THPT học sinh đang theo học và Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đồng ý bằng văn bản. Nhà trường lưu ý, trong một học kỳ, học sinh THPT được học tối đa không quá 3 học phần thuộc chương trình đào tạo đại học.

Nếu học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng thì sau khi trường ĐH công bố danh mục các học phần, học sinh lựa chọn, đăng ký. Thời gian đăng ký học kỳ 1 được thực hiện trước ngày 1/9 hàng năm; đăng ký học kỳ 2 thực hiện trước ngày 15/1 hàng năm và đăng ký học kỳ Hè thực hiện trước 1/6 hàng năm.

Khi đã thực hiện đăng ký, Phòng Đào tạo nhà trường sẽ chuyển thông tin thời khóa biểu cho học sinh, học sinh hoàn tất đóng học phí và đi học theo lịch. Sau khi hoàn thành học phần, học sinh được cấp bảng điểm.

“Học sinh sẽ được xem xét công nhận các học phần vào chương trình đào tạo đại học khi trúng tuyển vào chương trình đào tạo đại học tại Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn và các đơn vị đào tạo đại học khác tại ĐH Quốc gia Hà Nội”, đại diện trường cho biết.

Sau quá trình theo dõi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn nhận xét, hầu hết học sinh theo học trước chương trình đại học đều hào hứng, chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh; phụ huynh có con theo chương trình này cũng rất hài lòng và ủng hộ. Đến nay, có học sinh của trường đã tích lũy được 30/130 tín chỉ đại học. Với tiến độ hiện tại, em này có thể tốt nghiệp đại học trong 2 năm.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nêu quan điểm: Cơ chế học vượt tạo cơ hội tốt để thế hệ trẻ đóng góp nhiều hơn cho đất nước và để chính sách phát huy hiệu quả thì học sinh và gia đình vẫn cần suy nghĩ, cân nhắc kỹ hơn trước khi đăng ký.

"Ví dụ, một học sinh chuyên Văn định theo ngành Báo chí ở đại học, ngoài việc có đủ điều kiện về kết quả học tập thì yếu tố cần thiết là em phải biết cân đối, chủ động thời gian cũng như kiên định mục tiêu nghề nghiệp. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì việc tích lũy trước tín chỉ đại học có thể lợi bất cập hại, gây áp lực, lãng phí thời gian, tiền bạc của học sinh và gia đình", PGS.TS Nguyễn Quang Liệu bày tỏ.

Còn PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh góp ý, các trường nên đặt ra điều kiện chặt chẽ hơn để giới hạn diện tham gia, tránh việc học trước chương trình đại học trở thành trào lưu. Ngoài ra, trường đại học cần tính toán công nhận tín chỉ lẫn nhau để tạo thuận lợi cho học sinh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-thpt-hoc-truoc-chuong-trinh-dai-hoc-huong-mo-cho-hoc-sinh-xuat-sac.html