Học sinh TP HCM chủ động chọn nghề, chọn trường

Hơn 2.000 học sinh đến từ 14 trường THPT sẽ quy tụ về Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP HCM) để dự khai mạc chương trình 'Đưa trường học đến thí sinh' năm 2024

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024 tại TP HCM do Báo Người Lao Động phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức sáng nay, 9-3. Chương trình quy tụ ban tư vấn hùng hậu đến từ Bộ GD-ĐT, ĐHQG TP HCM và các trường ĐH, CĐ tại TP HCM; được Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp từ 8 giờ, trên kênh HTV KEY; Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn.

Chủ động chọn phương thức xét tuyển có lợi

Từ chiều 8-3, học sinh từ 14 trường THPT khu vực TP Thủ Đức đã chuẩn bị "hành trang" là những câu hỏi để đến với chương trình. Đội văn nghệ Trường THPT Nguyễn Hữu Huân ráo riết tập dượt các tiết mục hấp dẫn để chào mừng hơn 2.000 học sinh trường bạn tới tham dự chương trình.

Trước khi chương trình diễn ra, các thành viên Ban Tư vấn nhận định TP HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, là nơi tập trung của hầu hết lĩnh vực, ngành nghề nên học sinh TP HCM có nhiều thuận lợi trong chọn nghề, chọn ngành, chọn trường. Bên cạnh đó, TP HCM luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và trúng tuyển ĐH. Riêng năm 2023, tỉ lệ học sinh thành phố đỗ tốt nghiệp THPT hơn 99%; điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất cả nước, duy trì liên tục trong 7 năm gần đây.

Với lợi thế đó, học sinh TP HCM luôn chủ động trong việc chọn ngành, chọn trường và tham gia nhiều phương thức xét tuyển để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường yêu thích.

Học sinh đặt câu hỏi cho Ban Tư vấn chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”, do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, học sinh TP HCM luôn có sự chủ động cao trong việc tìm hiểu ngành nghề mình muốn học nên các trường ĐH ở TP HCM hằng năm công bố đề án tuyển sinh từ rất sớm để học sinh nắm bắt thông tin, từ đó định hình rõ việc tham gia xét tuyển để đạt hiệu quả cao nhất. Tại Trường ĐH Công Thương TP HCM, sau chưa đầy nửa tháng nhận hồ sơ xét học bạ (từ ngày 26-2) đến nay đã nhận được hơn 2.300 hồ sơ, chủ yếu từ học sinh TP HCM.

Ngoài tham gia xét học bạ vào các trường ĐH, học sinh TP HCM cũng chủ động tham gia xét tuyển theo các phương thức khác như đánh giá năng lực… TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết năm 2024 có trên 96.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 thì TP HCM chiếm gần 1/3 với 31.412 thí sinh đăng ký. "Năm 2024 có 97 trường ĐH và 8 trường CĐ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, mở ra cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích ngày càng cao" - TS Chính nói.

Theo TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, các trường ĐH hiện sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Do vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ nhiều phương thức xét tuyển để lựa chọn những phương thức có nhiều lợi thế và phù hợp nhất trước thời điểm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm 2024.

Xu hướng chọn ngành của học sinh TP HCM

ThS Phạm Thái Sơn cho biết trong số những ngành trường đang đào tạo thì học sinh TP HCM có xu hướng chọn các ngành khối kinh tế (quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kế toán, tài chính ngân hàng, marketing, thương mại điện tử...), luật kinh tế, công nghệ thông tin (công nghệ thông tin, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu...) vì đây là những ngành có tiềm năng thu nhập cao, cơ hội nghề nghiệp đa dạng, phù hợp xu hướng công nghiệp, mối liên kết với sự phát triển cá nhân… "Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, kiến thức về kinh tế, luật pháp và công nghệ thông tin trở nên ngày càng quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế và xã hội" - ông Sơn nói.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết học sinh ở TP HCM có xu hướng chọn các ngành khối kinh doanh, quản lý nhiều hơn là kỹ thuật. Lý giải điều này, ông cho rằng TP HCM là trung tâm kinh tế lớn trong đó phát triển mạnh về dịch vụ nên học sinh chọn học kinh doanh, quản lý có nhiều cơ hội việc làm. Các doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển các nhà máy, xí nghiệp về các địa phương còn TP HCM chỉ là nơi đặt văn phòng nên xu hướng chọn ngành của học sinh TP HCM cũng phù hợp.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp - tuyển sinh, việc lựa chọn ngành học phụ thuộc sở thích, sở trường và mục tiêu của từng học sinh. Bên cạnh đó, học sinh ở TP HCM cần hiểu rõ nhu cầu lao động của thành phố và các khu vực lân cận để có thể đưa ra quyết định chọn ngành học phù hợp.

14 trường THPT tham gia, ban tư vấn hùng hậu

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024 tại TP HCM có hơn 2.000 học sinh đến từ các trường THPT: Nguyễn Hữu Huân, Đào Sơn Tây, Thủ Đức, Tam Phú, Hiệp Bình, Linh Trung, Bình Chiểu, Long Trường, Phước Long, Nguyễn Huệ, Giồng Ông Tố, Dương Văn Thì; Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm và Trung tâm GDNN-GDTX Thủ Đức.

Thành viên ban tư vấn gồm: PGS-TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT; ThS Phạm Thị Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM; TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing; PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; ThS Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM; ThS Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM; TS Đỗ Quang Vinh, Phó Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP HCM; TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thầy Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn; thầy Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến; TS Huỳnh Đệ Thủ, Khoa Kỹ thuật - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU).

HUY LÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoc-sinh-tp-hcm-chu-dong-chon-nghe-chon-truong-196240308220408653.htm