Học sinh tự chế tạo pháo nổ chơi Tết, coi chừng nát tay, mất mạng

Những ngày giáp Tết, cơ quan chức năng một số tỉnh ở Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai... đã phát hiện nhiều học sinh đặt mua tiền chất chế tạo pháo và lên mạng học cách chế tạo pháo nổ. Đây là việc làm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.

Nát tay vì pháo

Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây đã phát hiện, ngăn chặn nhiều em học sinh mua tiền chất để chế tạo pháo nổ. Cách chế tạo pháo nổ chủ yếu được các em tìm hiểu trên các trang mạng xã hội.

Điển hình như mới đây, Công an xã Ea Uy (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện kịp thời và xử lý 6 em học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 của các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã Ea Uy có hành vi chế tạo pháo nổ.

Các em học sinh này cho biết, sau khi lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo nổ thì cùng nhau góp tiền đặt mua hóa chất (cũng thông qua mạng) để về làm pháo. Mục đích chế tạo pháo nổ của các em là để đốt vào dịp Tết Nguyên đán 2024 và bán lại cho các bạn học sinh khác.

Những ngày cuối năm, Công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cũng phát hiện 8 học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn đặt mua tiền chất trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ…

Nhiều học sinh ở Đắk Lắk bị phát hiện chế tạo pháo nổ.

Không chỉ trên địa bàn Đắk Lắk, tại Lâm Đồng, lực lượng công an cũng vừa phát hiện em L.H.T.N. và H.N.T. (đều là học sinh lớp 9 tại một trường học trên địa bàn huyện Đức Trọng) cất giấu 26 viên pháo nổ tự chế và 1 hộp nhựa chứa nguyên liệu chế tạo pháo.

Em N. và T. khai nhận sau khi chế tạo pháo nổ xong thì cho nổ thử rồi dự định đi bán để kiếm tiền tiêu Tết. Việc làm của các em, gia đình và nhà trường đều không biết cho đến khi bị công an phát hiện.

Tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông cũng phát hiện nhiều học sinh chế tạo pháo nổ. Việc tự chế tạo pháo và cho pháo nổ thử nghiệm đã khiến không ít học sinh gặp phải những chấn thương, có em bị dập nát bàn tay. Ví dụ như em P.L.B.K. (12 tuổi, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột). Hơn 10 ngày trước, K. bị pháo nổ làm dập nát hai bàn tay và vùng mặt phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để cứu chữa.

Em P.L.B.K. bị pháo nổ tự chế làm dập nát bàn tay.

Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ngay khi tiếp nhận em K., bệnh viện đã xác định đây là ca chấn thương nặng do pháo nổ nên tiến hành mổ cấp cứu. Vì vết thương quá nặng nên bệnh viện phải tháo khớp cổ tay trái, cắt lọc và khâu tạo hình mỏm cụt. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận 1 trường hợp tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ.

Những ca tai nạn này là hồi chuông cảnh báo về pháo tự chế và những hậu quả khôn lường do pháo nổ gây nên.

Phụ huynh và nhà trường cần làm gì?

Trước tình trạng hàng loạt học sinh chế tạo pháo nổ, là chuyên gia giáo dục từng có nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên, ThS. Đỗ Thành Dương - Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang đã đưa ra một số phân tích và khuyến cáo đến phụ huynh, nhà trường.

Theo ThS. Đỗ Thành Dương, qua nghiên cứu tâm lý học đường cho thấy, ở độ tuổi học sinh, các em thường có tâm lý hiếu kỳ, thích thể hiện, khám phá, nhưng lại chưa lường hết các tác hại, nguy hiểm của pháo nổ tự chế. Vậy nên các em mới vô tư lên các trạng xã hội đặt mua tiền chất và học cách chế tạo pháo nổ.

Chính sự dễ dàng tìm kiếm các loại tiền chất chế tạo pháo nổ và những hướng dẫn chi tiết trên mạng càng khiến các em háo hức làm bằng được. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, người thân để tự làm một mình, hoặc rủ nhau làm ở những nơi vắng vẻ, hay làm tại nhà khi người lớn đi vắng.

Các em học sinh thường đặt mua chất chế tạo pháo nổ thông qua mạng xã hội.

"Từ thực trạng trên, biện pháp chủ yếu để ngăn chặn là chính quyền kết hợp với nhà trường đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động người dân, học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, chế tạo, sử dụng pháo nổ. Kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về pháo nổ.

Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhà trường thì các gia đình cần chú ý quan tâm giám sát con em mình chặt chẽ, sát sao hơn, chú trọng giáo dục, quản lý con em mình. Kịp thời phát hiện, tuyệt đối không để các em tự ý mua bán thuốc nổ, chế tạo các loại pháo nổ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Cần đặc biệt chú ý đến cách tiêu tiền của các em, nếu bất ngờ thấy các em có khoản tiền nào đó thì cần phải gặng hỏi ngay.

Các gia đình cần liên tục cho các em thấy một số vụ tai nạn điển hình do pháo nổ tự chế gây ra và những hậu quả khi sử dụng để làm bài học phòng ngừa, răn dạy các em. Từng gia đình phải giúp các em hiểu rõ, việc chế tạo, sử dụng pháo nổ không chỉ tiềm ẩn tác hại đến sức khỏe mà còn vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh", ThS. Đỗ Thành Dương nhấn mạnh.

Đông Hưng-Thanh Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoc-sinh-tu-che-tao-phao-no-choi-tet-coi-chung-nat-tay-mat-mang-169240105150647992.htm