Học tại chức có dễ xin việc không?

Điều khiến người học e ngại để đưa ra lựa chọn theo học hệ đào tạo tại chức là vấn đề 'học xong sẽ làm gì, có dễ xin việc không?', trong khi sinh viên chính quy còn thất nghiệp, nói gì đến tại chức. Tâm lý e ngại này đang khiến hệ đào tạo vừa học vừa làm của nhiều trường đại học 'gặp khó'.

Bà Nguyễn Thanh Mai - Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai.

Tại “Hội nghị liên kết đào tạo vừa làm, vừa học theo nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vào ngày 15.11, các chuyên gia, lãnh đạo các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên ở nhiều địa phương trên cả nước đã có những tư vấn băn khoăn của người học, đồng thời hiến kế “gỡ khó” cho công tác tuyển sinh của hệ vừa học vừa làm hiện nay.

Nhiều người học tại chức được đánh giá cao về năng lực

Theo GS-TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong 57 năm qua, lĩnh vực đào tạo hình thức vừa học vừa làm của trường đã cung cấp cho xã hội khoảng trên 85.000 cử nhân kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

Đa số sinh viên ra trường được cơ quan, doanh nghiệp sử dụng và đánh giá tốt về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn. Không ít người đã trưởng thành, thăng tiến, giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan trung ương, bộ ngành.

Hội nghị bàn luận về vấn đề liên kết đào tạo hình thức vừa học vừa làm.

Bà Nguyễn Thanh Mai - Phòng quản lý đào tạo Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai thì cho rằng xã hội đang có tâm lý e ngại, trong khi hệ đào tạo này đã góp phần rất lớn nâng cao cơ hội học tập cho mọi người và đóng góp nguồn nhân lực tốt cho xã hội.

“Thực tế trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp, chúng tôi thấy họ dựa vào năng lực để đánh giá chứ không hẳn nhìn vào bằng cấp. Trong khi hệ vừa học vừa làm đáp ứng được nhu cầu học tập, nâng cao trình độ mà vẫn đảm bảo được thời gian để người học có cơ hội đi làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Nếu người học chọn những trường có chất lượng đào tạo tốt, uy tín, học tập nghiêm túc thì cơ hội việc làm của người tốt nghiệp hệ chính quy và tại chức là như nhau”- bà Mai chia sẻ.

Chất lượng quyết định thương hiệu

Dù đánh giá nhu cầu đào tạo còn rất lớn, nhưng lãnh đạo nhiều trường thừa nhận “thời hoàng kim” của hệ đào tạo vừa học vừa làm đã qua.

PGS-TS Phạm Quang -Trưởng khoa Tại chức Trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ rõ khó khăn không chỉ nhà trường mà nhiều trường khác đang gặp phải trong việc tuyển sinh hệ vừa học vừa làm:

“Trong bối cảnh số lượng các trường đại học, cao đẳng, kể cả công lập và tư thục ngày một gia tăng đã làm tình trạng cạnh tranh trong đào tạo hệ vừa học vừa làm giữa các trường trở nên gay gắt.

Năm 2011, số lượng sinh viên trúng tuyển hệ tại chức của trường Kinh tế quốc dân là 4.500, nhưng đến năm 2016 chỉ còn 580 người”.

Để gỡ khó, từ năm học 2016-2017 đến nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đổi mới chương trình đào tạo tại chức sang hình thức đào tạo tín chỉ, đồng thời đổi mới phương thức tuyển sinh, chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển, đẩy mạnh việc liên kết đào tạo với các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng nghề...

Còn bà Nguyễn Thanh Mai - Phòng quản lý đào tạo Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai - cho rằng, để hút người học cho hệ vừa học vừa làm, quan trọng nhất các trường cần giữ vững chất lượng của mình. Không nên đánh đổi chất lượng bằng mọi giá. Vì chính chất lượng sẽ làm nên thương hiệu, là yếu tố quan trọng để có được niềm tin của người học lẫn dư luận xã hội.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/hoc-tai-chuc-co-de-xin-viec-khong-641554.ldo