Học tập cách viết của Bác Hồ

(GD&TĐ) - Hồ Chí Minh là nhà báo lớn của dân tộc. Người đã hoạt động báo chí liên tục suốt cuộc đời cách mạng của mình. Người để lại một di sản báo chí quý báu với khoảng 2000 bài báo đủ các thể loại. Tìm hiểu di sản báo chí đồ sộ của Bác Hồ, mỗi người làm báo có thể tiếp cận học tập được nhiều điều bổ ích cho công việc của mình. Bài viết này sẽ trình bày một số điểm thiết thực có thể học tập từ cách viết của Bác Hồ.

Bác làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, 1957 Viết phải có mục đích Hồ Chí Minh tâm niệm: “Viết và nói phải có mục đích, phải có nội dung”. Trả lời câu hỏi “Viết để làm gì?” Người khẳng định: “Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng”. Người cũng chỉ rõ thêm: “Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ Chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới” và “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Với mục đích như vậy, rõ ràng hoạt động báo chí nói chung và việc viết báo nói riêng không thể tách rời với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Điều này đòi hỏi người viết phải có lập trường chính trị đúng đắn, vững vàng, phải có nhãn quan chính trị sắc bén và phải có độ nhạy cảm chính trị - xã hội cao. Trong đó, ngòi bút của nhà báo phải hướng tới phục vụ lợi ích của Đảng, của dân, của đất nước và dân tộc. Viết phải có nội dung Về nội dung, Hồ Chí Minh xác định: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội”. Còn đối với địch “thì nêu những cái xấu của nó để cho bộ đội ta, đồng bào ta biết...để gây lòng căm thù đối với quân địch”. Như thế, nội dung viết phải nhằm tới việc thực hiện mục đích viết, giúp cho việc đạt được mục đích viết. Nội dung viết phải chứa đựng những thông tin, những vấn đề của thực tiễn thực sự cần thiết cho bạn đọc, phục vụ lợi ích của bạn đọc, lợi ích của dân của nước. Muốn được như vậy, người viết phải năng động, xông xáo, bám sát thực tiễn, tìm tòi, phát hiện. Viết phải đúng sự thật Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”. Như vậy, Người yêu cầu bài viết phải bảo đảm tính chân thực. Không bảo đảm tính chân thực sẽ làm mất niềm tin của bạn đọc, sẽ không thuyết phục được họ. Muốn vậy, người viết phải bám sát thực tiễn, điều tra, nghiên cứu, xem xét, kiểm tra, chọn lọc thông tin, phải thực sự cẩn trọng khi viết bài, đưa tin. Với tinh thần như vậy, Hồ Chí Minh căn dặn: “Không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”. Đáng tiếc là hiện nay nhiều người viết còn chưa thực sự cẩn trọng khi viết bài, đưa tin, vì nôn nóng muốn có tin bài ”nóng” mà không thẩm tra, cân nhắc kỹ lưỡng, đưa lên mặt báo những tin bài có nội dung sai lạc; điều này nhiều khi gây ra những hậu quả tiêu cực khôn lường. Ngắn gọn Ngắn gọn là điều Hồ Chí Minh rất chú trọng khi viết. Người chỉ rõ: “Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích...”. Người giải thích: “Ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Ngắn gọn với ý nghĩa như vậy đòi hỏi bài viết phải hàm súc, cô đọng, mỗi chữ, mỗi ý đều phải thực sự thiết thực, gắn với mục đích đặt ra, không có chữ thừa, ý thừa. Để đạt được điều này, điều tối quan trọng là người viết phải rèn luyện công phu. Hồ Chí Minh đã từng kể lại việc Người đã học viết báo công phu như thế nào, khởi đầu là viết ngắn, sau đó là viết dài, rồi từ viết dài phải tập viết ngắn lại, viết cho cô đọng ra sao. Viết dài, ba hoa, sáo rỗng rõ ràng là điều tối kỵ đối với người viết, nhưng không phải hiện nay người viết báo nào cũng tránh được điều này. Để bài viết được ngắn gọn, cũng cần chống tư tưởng viết dài chiếm nhiều “diện tích” trên mặt báo để được trả nhuận bút nhiều hơn. Trong sáng, giản dị, dễ hiểu Trong sáng, giản dị, dễ hiểu là điều có thể nhận thấy rất rõ ở tất cả các bài viết của Hồ Chí Minh, dù các bài viết này thuộc thể loại nào, phục vụ cho đối tượng người đọc nào, nói về những vấn đề cụ thể nào của cuộc sống chiến đấu, lao động hay những vấn đề lớn nào của đất nước, dân tộc, thời đại. Theo Hồ Chí Minh, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu phải học cách nói của quần chúng. Có học cách nói của quần chúng thì mới được người đọc là quần chúng chấp nhận. Người dạy “chớ ham dùng chữ”, “viết phải thiết thực”. Mặc dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng Người thường sử dụng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà lại phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao. Chính bởi vậy nhiều câu, nhiều ý trong các bài viết của Người đã đi vào đời sống và trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động như: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...” vv... Người cực lực phê phán những cách dùng chữ cầu kỳ, không phù hợp đối tượng, ví dụ như đem “tân dân chủ nghĩa” giáo dục cho các cháu nhi đồng chẳng hạn. Cái tâm người cầm bút Tôi muốn dùng mục nhỏ này để thay cho lời kết của bài viết. Cái tâm là điều chúng ta có thể cảm nhận được và học tập từ tất cả các bài viết của Bác Hồ. Cái tâm là điều không thể dùng kỹ thuật viết thay thế được. Cái tâm ở đây chính là tình cảm rộng lớn và sâu sắc của Người đối với đồng bào, đồng chí, đồng loại, với các cháu thiếu niên, nhi đồng, với đất nước, dân tộc. Chính tình cảm lớn này đã góp phần quan trọng nâng nhà báo lớn Hồ Chí Minh lên tầm một danh nhân văn hóa kiệt xuất. TS. Nguyễn Danh Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/2009/07/1713328/