Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: 'Ông Đức' quân y Việt Nam ở bản Thoọng Pẹ

'Có phải vì nhìn anh già trước tuổi nên bà con bên nước bạn Lào gọi là ông không?'-Tôi hỏi vui Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ (Công trình trạm xá do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp xây dựng để hỗ trợ khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc vùng biên giới nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Công trình được Chính phủ hai nước nhất trí xây dựng tại bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay của nước bạn Lào và do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng của Lào quản lý). Anh thật thà trả lời: 'Cái đó một phần. Chủ yếu là vì bà con tôn trọng, yêu mến mình nên mới gọi như vậy'.

Nước bạn Lào là quê hương thứ hai

Được giới thiệu về Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức đã khá lâu, nhưng tôi chưa có dịp gặp gỡ. Vừa rồi, biết tin anh trở về Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh giải quyết một số công việc, nên chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng nhau. Anh Đức nhận mình là “người hai quê”. Ngoài quê gốc là TP Hà Tĩnh, anh coi đất nước Lào là quê hương thứ hai vì đã có 10 năm gắn bó. Anh Đức cho biết, Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2007 theo chương trình hỗ trợ hữu nghị giữa BĐBP Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh với địa phương nước bạn, bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2008. Tháng 10-2013, bác sĩ Nguyễn Việt Đức được cấp trên điều động sang làm trạm trưởng từ đó đến nay.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức hướng dẫn bà con ở bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào) cách phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: TIẾN DŨNG

Theo anh Đức, Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ hiện có 3 cán bộ, nhân viên (1 bác sĩ, 2 y sĩ); cơ ngơi gồm một dãy nhà cấp 4, với các phòng chức năng: Phòng khám và phát thuốc, phòng siêu âm, điều trị, hai phòng nhân viên, bếp ăn, hai công trình vệ sinh. Trang thiết bị của trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn với đầy đủ máy siêu âm, xét nghiệm huyết học bán tự động, xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy điện tim 2 cần, máy thở oxy, máy điện châm, khí dung... cùng một số thiết bị chuyên dụng.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức tâm sự về những ngày đầu sang làm nhiệm vụ trên đất bạn: “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi lúc mới sang là trình độ dân trí của nhiều người dân bản địa quá thấp. Thoọng Pẹ là bản rất rộng, diện tích hơn 10.000ha. Người dân bản Thoọng Pẹ và các bản giáp ranh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống du canh, du cư dọc theo tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Hà Tĩnh. Kiến thức về chăm sóc sức khỏe của bà con rất hạn chế. Vì thế, khi không may bị ốm đau, bệnh tật, bà con thường mời thầy mo, thầy cúng về mổ trâu, giết lợn để cúng đuổi "ma rừng". Các hộ dân thường chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức thả rông. Nhiều người vô tư ăn sống, uống nước lã, dẫn đến dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Tình trạng kết hôn khi chưa đến tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống ở Thoọng Pẹ khá phổ biến. Đặc biệt, ngày đó có không ít hộ dân trồng và sử dụng thuốc phiện, nên tỷ lệ người nghiện ở đây khá cao...".

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức đến tận nhà khám bệnh cho người dân huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Ảnh: HUY TÙNG

Điều khó khăn nhất với bác sĩ Đức khi sang nước bạn làm việc là không biết tiếng Lào. Để khắc phục, anh chủ động làm quen, chơi thân với một số bà con người Lào biết tiếng Việt. Mỗi lần khám cho bệnh nhân, anh lại bật loa điện thoại lên để được phiên dịch bằng hình thức “trao đổi tay ba”. "Sau khoảng 4-5 tháng, tôi nắm được các thuật ngữ cơ bản phục vụ việc khám, chữa bệnh. Nhưng phải mất một năm thì mới không phải dùng đến chiếc điện thoại để xin “trợ giúp”, anh Đức vui vẻ kể.

Khi trình độ tiếng Lào của anh được nâng lên thì uy tín của Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ càng lan xa. Anh xúc động tâm sự, có bệnh nhân được người thân dùng xe máy vượt quãng đường hơn 170km đưa đến trạm xá, còn trường hợp bệnh nhân đi bộ chục cây số hoặc đi xe máy khoảng 100km đến khám bệnh là bình thường. “Hiện nay, hầu hết các bản ở nước bạn Lào đều có lực lượng y tế tại chỗ, nhưng nhiều bà con vẫn tìm đến trạm xá của BĐBP Việt Nam. Vào mùa mưa, chứng kiến những bệnh nhân đội mưa gió, vượt đường rừng trơn trượt, xa xôi để tới trạm xá khám bệnh, chúng tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm phục vụ bà con tốt nhất”.

Theo Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức, bà con tin tưởng trạm xá của BĐBP cũng một phần vì các anh sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ người bệnh 24/24 giờ. Đối với những bệnh nhân đau yếu không đến được trạm xá, anh cùng đồng nghiệp đến tận nơi để thăm khám. Trường hợp ngoài khả năng điều trị thì các anh mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ đón khoảng 15-20 lượt người đến khám, chữa bệnh. 10 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn, bác sĩ Nguyễn Việt Đức đã khám, cấp cứu, điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân, nhưng anh vẫn nhớ như in những bệnh nhân nặng, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Như trường hợp chị Nàng Sớm ở bản Na Hương, huyện Khăm Cợt bị đột quỵ tại nhà vào cuối tháng 8-2022. Do được cán bộ trạm xá tuyên truyền từ trước nên khi phát hiện chị có biểu hiện đột quỵ, gia đình gọi điện ngay cho “ông Đức”. Bác sĩ Đức hướng dẫn các bước sơ cứu ban đầu rồi nhanh chóng dùng xe máy đến nhà bệnh nhân để kịp thời chữa trị và giúp chị Nàng Sớm qua cơn nguy kịch. Sau đó, anh thường xuyên gọi điện, thi thoảng trực tiếp đến thăm, kiểm tra, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc và tự tập luyện để bình phục.

Những bước chân nối tình hữu nghị

10 năm qua, dấu chân của bác sĩ quân y Nguyễn Việt Đức đã in khắp địa bàn huyện Khăm Cợt. Ngoài thời gian trực, anh tranh thủ đi thăm bà con, nhất là thăm khám, tư vấn điều trị cho những người ốm yếu, hướng dẫn dân bản cách phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe. Anh cũng thường xuyên phối hợp cùng cán bộ y tế địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh các bệnh thông thường, giữ vệ sinh môi trường; vận động xây dựng khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi bảo đảm khoa học, bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan và không tảo hôn, tránh hôn nhân cận huyết thống, không trồng cây thuốc phiện và hút thuốc phiện...

Người dân ở huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào) coi Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức như người thân trong nhà. Ảnh: TIẾN DŨNG

Không chỉ cố gắng làm tốt những việc chuyên môn ngành y, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức còn cùng nhân viên trạm xá tích cực tham gia hoạt động dân vận trên địa bàn, ủng hộ bản làm đường bê tông, giúp đỡ những gia đình khó khăn, hoạn nạn... Qua đó, tình đoàn kết giữa trạm xá và chính quyền, người dân sở tại ngày càng mật thiết, gắn bó. “Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng bà con nơi đây tình cảm chân thành lắm! Nhiều người đem túi gạo vừa thu hoạch lên tặng chúng tôi. Có người đi rẫy kiếm được đồ gì ngon cũng mang cho chúng tôi. Chúng tôi rất vui vì được bà con nước bạn coi như người trong nhà. Khi tôi về nước công tác, thỉnh thoảng ông Mày Hom là Trưởng Công an bản Thoọng Pẹ gọi điện hỏi thăm, trao đổi công việc. Ông coi mình như người bạn, người đồng chí thân thiết. Có thông tin gì liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, ông Mày Hom cũng chia sẻ, đề nghị chúng tôi cho ý kiến. Nhờ những mối quan hệ thân thiết như vậy nên công việc của mình ngày càng thuận lợi", anh Đức hào hứng chia sẻ.

Biết vợ của Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức là giáo viên, đang ở cùng hai con tại nhà riêng (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), tôi hỏi: "Công tác ở nước bạn, anh dành thời gian cho gia đình như thế nào?". Anh Đức tâm sự: “Nếu công việc thuận lợi thì khoảng 3 tháng tôi về thăm nhà một lần, nhưng cũng có khi phải nửa năm. Còn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trạm xá phải căng mình cùng lực lượng chức năng của nước bạn phòng, chống dịch thì cả năm tôi không về thăm nhà. Cũng mừng là vợ con hiểu công việc của tôi nên luôn động viên, chia sẻ”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về người cán bộ cấp dưới đang “cắm bản” trên đất bạn Lào, Thượng tá Nguyễn Ngọc Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nói với giọng đầy tự hào: “Có đồng chí Đức phụ trách trạm xá bên đó, chỉ huy đồn rất yên tâm. Trung tá, bác sĩ Nguyễn Việt Đức là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm và uy tín cao. Vì vậy, anh cùng với nhân viên trạm xá trong nhiều năm qua luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh BĐBP Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, quân và dân ở hai bên biên giới”.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-ong-duc-quan-y-viet-nam-o-ban-thoong-pe-730825