Học thêm... chữ

Tại Hội nghị triển khai năm học 2017-2018 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT, ông Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhắc nhở, yêu cầu các địa phương chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Bộ cũng có văn bản chỉ đạo chỉ được dạy, chuẩn bị cho những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1.

Sau khi hoàn thành chương trình lớp một học sinh mới cần đọc thông, viết thạo (ảnh minh họa). Ảnh: Thanh Uyên

Năm 2013 khi có chỉ thị cấm dạy chữ cho trẻ trước lớp 1, Bộ GDĐT đã đưa ra những lập luận rằng: “Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt”. Nhiều năm qua bộ cũng đã nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1, đồng thời tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1.

Tuy nhiên, thực tế đang hoàn toàn ngược lại. Bởi, trong khi các trường mầm non, mẫu giáo công lập thực hiện nghiêm túc thì các trường dân lập, tư thục lại thấy đây là “cơ hội”. “Họ vẫn tổ chức dạy chữ “chui”, xen kẽ các giờ học. Điều này đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh vì lo con không theo kịp các bạn. Một bộ phận khác, nhiều bậc cha mẹ cũng bỏ 3 tháng hè trước khi vào lớp 1 để đưa con đi học chữ ở các lớp học thêm”, chị Nguyễn Thị Thu Thảo - giáo viên một trường mầm non tại Đà Nẵng - cho hay. Chị Thảo cũng thừa nhận: “Mặc dù là giáo viên dạy mẫu giáo, nắm rõ mọi thông tin của Bộ nhưng hè vừa qua tôi buộc lòng phải đưa con đi học chữ trước khi cháu vào lớp 1. Bởi thực tế, chính các thầy cô giáo tiểu học cũng than phiền rất nhiều khi học sinh không biết chữ nào!”.

Việc cấm dạy chữ cũng như hàng loạt các thay đổi của Bộ GDĐT nhằm cố gắng giảm tải nạn thành tích trong học đường đều đang bị dội ngược lại bởi nhận thức của xã hội, cách thức triển khai chưa toàn diện. Phụ huynh học sinh luôn phải chạy đua tìm cách “ứng phó”, không học được ở trường thì học thêm, học chui. Thầy cô phải “gánh” thêm việc nhưng đồng lương vẫn “khiêm tốn”. Và khi điểm số, thành tích, những kỳ thi đại học mà dù đạt điểm tuyệt đối các thí sinh vẫn bị trượt còn tồn tại trong xã hội thì mỗi mùa hè vẫn có hàng triệu đứa trẻ 6 tuổi phải đi học thêm... chữ.

THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/hoc-them-chu-550458.ldo