Học tiếng Anh hiệu quả theo kiểu 'truyền khẩu'

Học tiếng Anh cả chục năm trên ghế nhà trường không bằng nhìn miệng nói trực tiếp trong vài tháng.

Chia sẻ thêm quan điểm cá nhân về cách học tiếng Anh, một hiệu trưởng trường tư thục trên địa bàn Hà Nội cho rằng quan trọng nhất là phải chăm chỉ, lười biếng không có "đất diễn".

Cách học tiếng Anh nhanh nhất là nhìn miệng nói. Ảnh minh họa

Cách học tiếng Anh nhanh nhất là nhìn miệng nói. Ảnh minh họa

Ông thừa nhận, bản thân là một hiệu trưởng nhưng lại rất kém về tiếng Anh vì thế, khi thấy người Việt học giỏi tiếng Anh thì ông rất phục.

"Tôi rất phục những người học giỏi tiếng Anh vì bản thân tôi đã đặt nhiều quyết tâm nhưng rồi lần nào cũng phải bỏ dở, không học được. Kết quả là bây giờ tiếng Anh rất tệ.

Tôi không nghĩ là học tiếng Anh khó nhưng chắc do tôi lười biếng, không kiên nhẫn", vị này chia sẻ.

Nói về phương pháp học, ông cho biết học tiếng Anh không giống học tiếng Việt, phương pháp dạy, học chỉ là cách hỗ trợ giúp người học tiếp thu và học nhanh hơn. Tuy nhiên, điều cốt lõi khi học ngoại ngữ vẫn là sự kiên nhẫn, bền bỉ.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng phải có môi trường rèn luyện và thực hành thường xuyên.

"Ở Việt Nam học tiếng Anh bao nhiêu năm nhưng khi nói vẫn ngô nghê, ngọng nghịu, nói người nước ngoài nghe cũng không hiểu gì, tuy nhiên, chỉ cần sang nước ngoài 1-2 tháng là nói năng lưu loát, mềm mại như người bản địa.

Đây cũng là lý do vì sao trẻ em miền núi ở những khu du lịch không được đào tạo bài bản, không được học tiếng Anh nhưng lại nói tiếng Anh rất tốt.

Tôi vẫn đánh giá cao phương pháp học tiếng Anh theo kiểu "truyền khẩu", tức là nhìn vào miệng để nghe, nói trực tiếp và sai sẽ được người nước ngoài sửa luôn, vì thế khả năng nói mới tốt", ông cho biết.

Tiếng Anh kém do nhút nhát, thiếu tự tin

GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, khả năng ngoại ngữ của Việt Nam hạn chế là do nhiều nguyên nhân.

Vị GS cho biết, điều quan trọng nhất để học tốt tiếng Anh điều kiện trước hết là phải có môi trường học và thực hành. Môi trường làm việc tạo động lực cho người làm việc luyện nghe, nói bằng ngôn ngữ đó. Nếu không có môi trường để thực hành thì học xong cuối cùng cũng mai một, quên dần.

Tiếp theo là do sự khác biệt về ngôn ngữ, do đặc điểm của tiếng Việt rất khác với ngôn ngữ của các nước khác từ cách phát âm cho tới ngữ pháp, đây là hạn chế chung khiến người Việt Nam học các loại ngôn ngữ khác luôn khó khăn hơn.

Vì thế, học tiếng Anh ở Việt Nam ngoài sự chăm chỉ, kiên nhẫn còn đòi hỏi cả năng khiếu nữa.

Vấn đề nữa là do bản tính nhút nhát, tự ti, ngại nói, nói sợ sai cũng khiến việc học tiếng Anh của người Việt bị hạn chế.

Học tiếng Anh đừng dài dòng, phức tạp

Một ví dụ thực tế giữa người Việt với người Ả Rập cùng du học ở Nga nhưng khả năng học, nói tiếng Nga của người Ả Rập rất tốt, rất nhanh. Lý do là họ mạnh bạo, sẵn sàng nói và sẵn sàng sửa trong khi người Việt đã ngại nói lại quá nắn nót từ ngữ và khi thấy họ nói tốt hơn lại tự ti, không dám nói.

Một vấn đề khác liên quan tới bản sắc văn hóa, phong tục tập quán cũng ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng học tiếng Anh của người Việt.

Ví dụ cùng là du học sinh Việt Nam và du học sinh Nga khi sang nước khác thì du học sinh Việt Nam thường rất nhát, không cởi mở trong quan hệ giao tiếp, trai gái nắm tay nhau đã ngại trong khi đó du học sinh Nga họ rất mạnh bạo, cởi mở và luôn sẵn sàng kết bạn ngay. Từ chỗ có nhiều bạn bè, được giao tiếp trực tiếp hàng ngày nên khả năng nói của những sinh viên Nga rất tốt.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/hoc-tieng-anh-hieu-qua-theo-kieu-truyen-khau-3382657/