Học tiếng Khmer để tăng cường gắn bó quân - dân

Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 9, những năm qua, Trường Quân sự Quân khu 9 đã đào tạo 19 lớp tiếng Khmer cho đội ngũ cán bộ các đơn vị trên địa bàn. Mới đây, các lớp được triển khai rộng ở Cần Thơ, Sư đoàn 330 và Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang nhằm nâng cao khả năng giao tiếp với đồng bào Khmer, góp phần làm tốt công tác dân vận.

Chúng tôi đến giảng đường Tiểu đoàn 5, Trường Quân sự Quân khu 9 đúng lúc lớp bồi dưỡng tiếng Khmer khóa 19 đang duy trì ôn tập nội dung đàm thoại. Thiếu tá Sơn Hoàng Suôl, giáo viên phụ trách lớp cho biết: “Gần một năm học tập tại nhà trường, học viên được trang bị kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Để sau khi tốt nghiệp ra trường, 100% học viên có thể thành thạo trong giao tiếp, quá trình lên lớp giáo viên phải dạy từ cơ bản, sau đó từng bước nâng cao; đồng thời áp dụng phương pháp dạy học tích cực”.

Khóa học tiếng Khmer thứ 19 tại Trường Quân sự Quân khu 9 có 40 học viên, phần lớn đều là người dân tộc Kinh, lần đầu tiếp xúc với tiếng Khmer nên việc học gặp không ít khó khăn. Thượng úy Thạch Văn, nhân viên quân lực, Ban CHQS huyện Trà Cú (Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: “Tiếng Khmer có 33 phụ âm và 25 nguyên âm. Ban đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ngôn ngữ này, nhất là về cách phát âm. Do vậy, khi đến lớp tôi luôn tập trung lắng nghe thầy giáo giảng bài, mạnh dạn nói chuyện, giao tiếp với học viên và phải học thuộc nhiều từ vựng. Tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi còn đọc báo, nghe đài, xem bản tin tiếng Khmer. Trong sinh hoạt hằng ngày chúng tôi đều sử dụng ngôn ngữ Khmer để nói chuyện”.

Là một trong những giáo viên nhiều năm đảm nhiệm dạy tiếng Khmer, Đại úy Lâm Chia, Khoa Giáo viên, Trường Quân sự Quân khu 9 cho biết: "Ngôn ngữ Khmer rất khó để tiếp nhận và sử dụng thông thạo trong thời gian ngắn. Vì vậy, muốn biết tiếng Khmer, người học phải kiên trì. Thời gian qua, ngoài thời gian trên lớp, mỗi khóa học chúng tôi đều tổ chức hai đợt, mỗi đợt từ 10 đến 15 ngày đưa học viên đến các phum, sóc, trước là để thực hiện công tác dân vận, sau là để nâng cao kỹ năng nghe, nói và hiểu thêm về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Khmer". Đại úy Đào Văn Hưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 320, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Trong thời gian đi thực tế, vào mỗi buổi sáng chúng tôi đều tập trung trao đổi, thảo luận nhóm những nội dung mình đã giao tiếp với bà con để rút kinh nghiệm. Chúng tôi còn mang theo sách vở nhằm tranh thủ thời gian học thêm”.

Đây là lần thứ tư ông Thạch Đy, Bí thư Chi bộ ấp Phônôcambôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đón học viên về nhà ở. Ông Thạch Đy vui vẻ nói: “Những ngày bộ đội về, phum, sóc rộn ràng hẳn lên, đi đến đâu cũng nghe tiếng chào, hỏi bằng tiếng Khmer. Các chú bộ đội còn giúp bà con làm đường, dọn vệ sinh môi trường, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tặng quà học sinh nghèo, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; tuyên truyền, vận động, bà con về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì nghe, nói được tiếng đồng bào nên các chú bộ đội được bà con tin yêu và quý mến”.

Không chỉ học tiếng nói, chữ viết, các học viên của lớp học tiếng Khmer còn được tìm hiểu về văn hóa của người Khmer. Theo đó, khi khóa học gần kết thúc, các lớp học sẽ mời giáo viên, sinh viên của Trường Bổ túc văn hóa Trung cấp Pali Nam Bộ Sóc Trăng; Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học Victory, Trường Đại học Trà Vinh... đến giao lưu với các học viên về các chủ đề: Xưng hô giao tiếp, trang phục dân tộc, tham gia các trò chơi của người dân tộc Khmer…

Đại úy Nguyễn Minh Tân, trợ lý trinh sát quân báo, Ban CHQS huyện Tri Tôn, Bộ CHQS tỉnh An Giang cho rằng: “Lúc đầu tập viết chữ Khmer rất khó. Ngoài sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo, tôi còn tự trang bị một quyển sách luyện viết đúng, viết đẹp bằng chữ Khmer. Địa bàn của đơn vị chúng tôi tiếp giáp với biên giới, do vậy được tham dự khóa học càng giúp tôi hiểu nhiều hơn về con người, văn hóa, phong tục tập quán người dân tộc Khmer. Điều này càng giúp tôi chủ động, tự tin trong giao tiếp; việc phối hợp tuyên truyền, vận động bà con người dân tộc Khmer trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước được dễ dàng hơn”.

Đại tá Hồ Văn Thái, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 cho biết thêm: “Tốt nghiệp ra trường, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công, các học viên còn tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào Khmer từ bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tham gia giúp dân làm kinh tế gia đình, tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc tạo sự đoàn kết gắn bó quân-dân ở các vùng đồng bào dân tộc; làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng”.

QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/hoc-tieng-khmer-de-tang-cuong-gan-bo-quan-dan-582901