Học trò ăn sáng, trưa cùng hiệu trưởng

Để lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học trò của mình, nhà trường không thể thụ động chờ học sinh đến mà cần có nhiều hình thức tiếp cận các em.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) luôn tìm hình thức để tiếp cận học trò - Ảnh: Long Hoàng

Mời cả cha mẹ cùng tham gia

Trở thành học sinh (HS) đầu tiên trong trường tham gia chương trình Ăn sáng cùng cô hiệu trưởng - BREAKFAST WITH PRINCIPAL, Trần Thụy Nhật Khanh, lớp 9/10 Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) không tránh khỏi sự ngại ngần và lo lắng. Tuy nhiên, sau vài phút trò chuyện cùng cô hiệu trưởng về gia đình, về ngôi trường tiểu học mình đã học trước đây, Nhật Khanh đã lấy lại bình tĩnh và kể: “Con với cô vừa ăn sáng vừa tâm sự về học tập và những dự định mà cô sắp thực hiện trong trường. Ban đầu hơi “run” nhưng sự thân thiện và gợi mở của cô trong buổi trò chuyện đã xóa tan khoảng cách để cùng chia sẻ như 2 người bạn”. Nhật Khanh còn cho hay: “Vừa trò chuyện, cô vừa nhẹ nhàng sửa lỗi tiếng Anh khiến con hứng thú và mạnh dạn trong việc sử dụng ngoại ngữ”.

Sau bữa sáng với học trò vào hôm qua 12.9, bà Trần Thúy An, Hiệu trường Trường THCS Minh Đức, cho hay: “Chương trình dự kiến sẽ tổ chức vào thứ ba hằng tuần. Tùy vào chủ đề học tập hay định hướng hoạt động giáo dục, tôi sẽ chọn những HS nổi bật để trở thành khách mời của mình tại căn tin. Ngoài ra, các em có thể mời ba mẹ cùng trò chuyện với cô hiệu trưởng”.

Cũng với mục đích dành thời gian gần gũi, chia sẻ với học trò, bà Thúy An nói thêm: “Đối với những em chưa nổi bật, còn có những hạn chế thì sẽ tham gia chương trình “Cùng làm vườn với cô hiệu trưởng”. Có thể qua việc tưới cây, chăm sóc cây, tôi sẽ nắm bắt được nguyên nhân và khuyến khích, định hướng cho trò của mình ngoan hơn, học tốt hơn”.

Bà Thúy An cho rằng việc dành thời gian để tổ chức và tham gia các hoạt động với học trò sẽ giúp thầy cô có nhiều ý tưởng, sáng tạo thiết thực khiến HS yêu thích và đam mê với việc học, với nhà trường.

Tìm cách bắt được “tần số của tuổi teen”

Ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), ngoài việc thăm lớp, điện thoại luôn trong chế độ sẵn sàng lắng nghe, thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú còn chia thời gian ăn trưa, trò chuyện trước giờ nghỉ trưa với từng lớp để lắng nghe tiếng nói của gần 1.500 HS. Ông Phú cho hay: “Phải tìm tòi nhiều hình thức tiếp cận khác nhau cũng như cần hạ suy nghĩ của mình xuống để bắt được tần số của lứa tuổi teen bây giờ. Có như vậy các em mới xóa bỏ khoảng cách, sẵn sàng tâm sự những điều thầm kín, khó nói với thầy cô”.

Xuất phát từ thực tế hiện nay hầu như HS nào cũng có trang Facebook cá nhân nên Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) có cách tiếp cận riêng bằng cách trở thành bạn bè với khoảng 2.000 HS trong trường. Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường này, cho biết thông thường HS rất ngại kết bạn Facebook với giáo viên, đặc biệt là hiệu trưởng vì điều này sẽ khiến các em có cảm giác không thoải mái, sợ bị quản lý, bắt lỗi… Với trang cá nhân của mình, ông Khoa cho hay: “Tôi thường chia sẻ những hoạt động, thông báo của trường hay tạo diễn đàn, lấy ý kiến các em trước các hoạt động, sự kiện do trường tổ chức. Phải tạo sự đồng cảm thì các em mới tin tưởng đưa ra các quan điểm cá nhân”.

Nên xem học sinh là đối tác

Trong một lần chia sẻ về định vị của người thầy hiện nay, ông Huỳnh Thanh Phú nói rằng: “Giáo viên không thể như xưa mà cần phải đổi mới và lắng nghe. Muốn giờ học có kết quả cần có sự tương tác giữa thầy và trò. Đứng trước sự phản biện của HS, người thầy nên bình tĩnh, lắng nghe và tiếp thu chứ không nên rập khuôn lối giáo dục xưa cũ, dùng quyền năng để áp đặt”.

Từ đó, ông Phú cho rằng lắng nghe tiếng nói HS là một hình thức tiếp nhận, kênh thông tin để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, chệch hướng trong môi trường học đường. Theo ông Phú, nhiều năm trước, để có kênh thông tin, các trường tạo hộp thư Điều muốn nói nhưng chỉ có hiệu quả trong thời gian nhất định. Thực tế hiện nay cho thấy, người quản lý nhà trường không thể ngồi chờ trong phòng một cách bị động mà phải gần gũi, xóa bỏ khoảng cách với HS thì mới mong nghe được tiếng nói HS. Nên coi HS là đối tác cùng nhau hợp tác giúp hoạt động giáo dục ngày càng trở nên tốt hơn.

Theo các hiệu trưởng, việc lắng nghe sẽ tạo cho HS cảm giác được tôn trọng, là cơ hội để thầy cô nắm bắt tâm tư, tình cảm, từ đó định hướng thẩm mỹ, nhận thức về cái đúng, cái hay, cái đẹp.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-tro-an-sang-trua-cung-hieu-truong-1002583.html