Học trò hào hứng trải nghiệm 'một ngày làm giáo viên'

Ngày 20/3, gần 240 học sinh của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) đã có một ngày tràn niềm vui khi vào vai các thầy cô đứng trên bục giảng trong chương trình 'Một ngày làm giáo viên' do nhà trường tổ chức.

Các học sinh đại diện cho các tổ bộ môn lên nhận hoa từ Ban giám hiệu nhà trường

Các học sinh đại diện cho các tổ bộ môn lên nhận hoa từ Ban giám hiệu nhà trường

Đây là năm thứ ba chương trình được tổ chức, nhằm giúp các em học sinh có những trải nghiệm thú vị với nghề giáo, từ khâu chọn bài giảng, soạn giáo án, đứng trên bục giảng, xử lý các tình huống trong lớp học, truyền đạt kiến thức… để các em hiểu hơn về nghề giáo, về công việc của các thầy cô, từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn, trân quý hơn với nghề.

Ngoài ra đây cũng là hoạt động nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng như hướng đến phát triển phẩm chất năng lực cá nhân của các em.

Học sinh tự tin đứng lớp

“Khi các em lên lớp, các em có sự chuẩn bị như soạn giáo án và bước vào tiết các em có sự ủng hộ, tương tác với các bạn trong lớp để hoàn thành bài giảng của mình, tạo không khí rất hào hứng.

Qua 3 năm tổ chức, các tiết dạy tương ứng với số học sinh đăng kí chương trình tăng lên, từ gần 100 tiết ở năm đầu tiên, đến gần 200 tiết và nay là 240 tiết, điều này khiến những người thầy như chúng tôi rất vui.

Một học sinh-thầy giáo trong tiết Thể dục

Trải nghiệm một ngày làm giáo viên, từ đó các em hiểu hơn về nghề giáo, về công sức của người thầy để chuẩn bị một tiết giảng để trân trọng hơn. Ngoài ra đây cũng là một hoạt động nhằm hướng nghiệp cho các em.

Chúng tôi cũng mong rằng, trong số 240 học sinh đăng kí làm giáo viên hôm nay sẽ có em theo đuổi đam mê, yêu thích của mình là trở thành nhà giáo để trở thành những đồng nghiệp với chúng tôi trong tương lai”, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên của trường cho hay.

Trao đổi với bạn về giáo án trước tiết giảng

Nhiều em học sinh chia sẻ, ban đầu các em khá hồi hộp bởi khi đứng trên bục giảng rồi mới thấy đây là công việc không hề đơn giản vì phải chuẩn bị giáo án, phải sắp xếp xem thời gian làm sao gói gọn trong 45 tiết để truyền đạt hết phần mình cần chia sẻ.

Chưa kể, nếu chỉ là những phần kiến thức cơ bản trong Sách giáo khoa sẻ khá nhàm chán nên phải lồng ghép vào bài học để cho các bạn ngồi dưới hiểu bài và thấy thích thú.

Lớp học diễn ra như một tiết học bình thường, người đứng lớp là các học sinh

“Ban đầu em cũng có hơi run, vì khi mới bước vào tiết giảng bài Vật lý lớp 12 “Tính chất cấu tạo hạt nhân”, em có chút trục trặc về phần máy móc nên hơi rối, nhưng sau đó đã lấy lại bình tĩnh để truyền tải hết thông tin cho các bạn.

Lúc quan sát thấy không khí lớp khá nhạt em đã kể một câu chuyện liên quan đến bài học để các bạn hào hứng hơn”, em Dương Minh Thành lớp 12A9 cho biết.

Đứng trên bục giảng để hiểu hơn về nghề giáo

Theo Minh Thành, để soạn giáo án cho tiết giảng “Tính chất cấu tạo hạt nhân”, em bỏ ra 4 ngày và qua đó hiểu hơn về công việc soạn giáo án, cũng như khi đứng lớp em thấy một vài bạn không chú ý lắng nghe em khá khó chịu và có chút buồn. Từ đó em càng hiểu và cảm thông hơn với các thầy cô giáo khi học sinh không lắng nghe bài giảng.

Kết quả có 95 em với 95 tiết giảng được các tổ bộ môn đánh giá cao và được nhà trường trao phần thưởng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/hoc-tro-hao-hung-trai-nghiem-mot-ngay-lam-giao-vien-3989089-v.html