Học trò nghịch dại

Phương từ tầng 2 đi xuống thì thấy mấy bạn của ông nội ngồi ở phòng khách. Nó vội vàng chào rồi nhanh chân đi học.

Phương từ tầng 2 đi xuống thì thấy mấy bạn của ông nội ngồi ở phòng khách. Nó vội vàng chào rồi nhanh chân đi học. Thấy vậy, ông Kha hỏi:

- Tôi thấy cháu Phương dạo này ít nói. Chắc học hành căng thẳng lắm hả?

Ông Thuân thở dài:

- Tôi đang suy nghĩ xem nên xử trí thế nào cho hợp lý. Dạo này thằng bé trầm tính hẳn, thiếu tự tin, tránh né giao tiếp với người lớn. Hôm trước hai ông cháu nói chuyện, gặng hỏi mãi nó mới kể ở trường hay bị bạn bè trêu chọc, chế nhạo “béo như lợn”, “ngu như bò”, làm cháu rất buồn, không muốn đến trường.

- Bạo lực tinh thần học đường rồi. Mấy hôm trước, báo chí đưa tin trong giờ thể dục nhưng không phải học vì trời mưa, một nam sinh lớp 9 ở Hà Nội đang xem đánh cờ thì bất ngờ bị một bạn khác đến từ phía sau tụt quần trước sự “cổ vũ” của đám bạn. Hai bên cự qua cãi lại, thầy giáo dạy thể dục đã bắt các bạn xin lỗi và làm hòa. Cứ tưởng thế là êm, nhưng khi vào lớp, cháu kia tiếp tục bị các bạn trêu chọc, bêu rếu nên cháu đã tìm cách “giải thoát”… nhảy từ tầng 3 xuống bị thương rất nặng.

Ông Lam buông tờ báo xuống giờ mới lên tiếng:

- Không nghịch ngợm không phải là học trò, nhưng tụt quần bạn trước đám đông là xúc phạm nhân phẩm người khác chứ không còn là nghịch nữa.

Ngừng một lát, ông Lam nói tiếp:

- Trong hàng loạt clip đánh nhau của học sinh được tung lên mạng xã hội thời gian qua chắc chắn có những xung đột từ các trò nghịch dại ấy. Tôi thấy chuyện cháu Phương nghiêm trọng đấy ông Thuân.

- Vâng, hôm qua bố nó nghe thấy con bị bắt nạt đã quát lên “sao không trả đũa”, rồi định nay đến trường gặp các bạn ấy dằn mặt. Tôi can ngăn bảo cứ bình tĩnh, người lớn hành xử thế nào sẽ tác động lớn đến ý thức, thói quen và hành vi của con trẻ sau này.

- Đúng rồi, người lớn phải bình tĩnh hướng dẫn con trẻ cách bày tỏ quan điểm một cách khéo léo với bạn đã bắt nạt chúng thay vì dạy chúng im lặng hay đánh trả.

- Tuổi học trò thì chưa nghĩ ngợi gì nhiều về hậu quả, chỉ cốt sao “vui là được”, bất kể bạn buồn thế nào. Thế nên gia đình phải trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để nhắc nhở, khuyên bảo chúng. Tôi thấy một số trường trong giờ chào cờ đầu tuần, giáo viên đưa ra các tình huống bạo lực học đường khác nhau, sau đó hướng dẫn trẻ vào vai các nhân vật với các cách phản ứng từ im lặng, đáp trả cho đến bày tỏ quan điểm. Từ đó trẻ có thể tự nhận ra mình nên phản ứng như thế nào. Trẻ được thực tập tình huống, không bị bất ngờ sẽ ít bị tổn thương.

Ông Lam gật gù:

- Cách làm này tốt đấy. Còn cánh già chúng ta nên bảo ban, để ý đến con cháu nhiều hơn, dạy chúng biết tôn trọng bạn mình, biết giúp đỡ hơn là trêu chọc, xúc phạm bạn… Tình yêu quê hương đất nước bắt nguồn từ những điều nhỏ, cụ thể ấy chứ không ở đâu xa nhỉ?

- Đúng thế - ông Kha và ông Thuân đều cười.

NGUYỄN VĂN CÁT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc/hoc-tro-nghich-dai-219049