'Học vấn cao và công nghệ hiện đại làm tăng mức độ mất cân bằng giới tính'

Thạc sĩ Nguyễn Sơn - Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL chỉ ra rằng, chính học vấn cao và công nghệ hiện đại là một trong những yếu tố tác động làm mất cân bằng giới.

Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Thông tin này sau khi được công bố đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Định kiến giới không còn là vấn đề mới và dù có nhiều tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới trong thập kỷ qua, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tư tưởng thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam đã và đang gây ra những hệ quả đáng lo ngại.

Về vấn đề này, trong cuộc trao đổi với PV báo Gia đình Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Sơn - Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL đã chỉ ra 2 yếu tố tác động dẫn tới những con số đáng báo động kể trên.

Học vấn cao và công nghệ hiện đại

Phân tích về thực trạng nói trên, Thạc sĩ Nguyễn Sơn chỉ ra rằng, cho đến trước năm 2003, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam vẫn ở mức bình thường (105 trai/100 gái). Tuy nhiên, SRB đã tăng lên 111,7 trai/100 gái vào năm 2007 và từ đó đến nay liên tục duy trì ở mức khá cao là trong khoảng từ 110 đến gần 114. Như vậy, nếu chỉ tính trong tổng số khoảng gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra vào năm 2016 (SRB=112,2) thì số lượng trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai đã lên tới trên 84 nghìn.

Học vấn cao và công nghệ hiện đại là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng giới (Ảnh minh họa)

Học vấn cao và công nghệ hiện đại là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng giới (Ảnh minh họa)

Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy SRB tăng mạnh ở những nhóm bà mẹ có học vấn cao, mức sống khá, chưa có con trai, đặc biệt là ở lần sinh thứ 3 trở lên. SRB của Việt Nam giai đoạn 2010-2014 tăng khá rõ theo học vấn của bà mẹ. Cụ thể là 106,4 ở nhóm không biết chữ, 111 ở nhóm tiểu học, 113 ở nhóm trung học phổ thông và 114,6 ở nhóm đại học trở lên. SBR ở nhóm có mức sống khá cũng lớn hơn so với nhóm có mức sống dưới trung bình. Học vấn và thu nhập gia đình càng cao càng giúp các bà mẹ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin và các biện pháp, dịch vụ xác định và chọn lọc giới tính trước khi sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Sơn - Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL

Theo Thạc sĩ Nguyễn Sơn, sự phát triển của công nghệ sinh đẻ cũng thúc đẩy tình trạng mất cân bằng giới tính. Trong 2 thập kỷ qua, siêu âm và phá thai lựa chọn giới tính trở nên phổ biến, sẵn có với khả năng tài chính của hầu hết các gia đình. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng tìm đến các cơ sở y tế để có được đứa con với giới tính mong muốn, nhất là làm IVF. Việc sinh đẻ có chọn lọc dường như được cả xã hội chấp nhận và nó kéo theo sự phát triển của dịch vụ y khoa có lợi nhuận không hề nhỏ, từ đó càng làm tăng sở thích con trai.

Áp lực văn hóa, xã hội gây mất cân bằng giới

Thạc sĩ Nguyễn Sơn dẫn số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy SRB của Việt Nam không chênh lệch nhiều giữa thành thị và nông thôn, nhưng có khác biệt đáng kể giữa 6 vùng địa lý. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có SRB thường vượt trội so với các vùng khác. Điều này xuất phát từ những khuôn mẫu văn hóa, xã hội truyền thống vốn đề cao giá trị của con trai hơn con gái.

Từ những số liệu này, cán bộ Vụ Gia đình chỉ ra rằng, ở Việt Nam tồn tại quan niệm cho rằng chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường, phải sống cùng nhà với cha mẹ đẻ và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, và thường được thừa kế nhiều hơn so với con gái. Từ đó, thích có con trai không chỉ vì “giá trị” của bản thân đứa con trai mà còn ở chỗ có con trai sẽ giúp người phụ nữ củng cố vị thế của mình trong gia đình và khẳng định uy tín của người đàn ông trong họ tộc, cộng đồng.

Những cặp vợ chồng không sinh được con trai thường phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình hai bên, chịu sự mỉa mai, trêu trọc của bạn bè, họ mạc, làng xóm, phải “ngồi chiếu dưới”. Những áp lực văn hóa, xã hội như vậy diễn ra phổ biến hơn ở miền Bắc – nơi chịu ảnh hưởng lâu dài của “chế độ phụ hệ” và lối sống “cư trú bên nội” qua hàng thế kỷ. Sống trong gia đình càng khá giả càng chịu nhiều áp lực của việc phải sinh con trai.

Năm 2050 Việt Nam có nguy cơ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới

Theo dự báo của Tổng cục Dân số - Bộ Y tế, nếu không có những biện pháp can thiệp phù hợp, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới. Nói cách khác, khoảng 4 triệu nam giới sẽ có ít cơ hội lấy được vợ trong nước. Thiếu nữ giới để kết hôn khiến xu hướng nam giới muộn hoặc không kết hôn tăng lên, nhất là ở những nhóm nghèo, trình độ học vấn thấp, việc làm thiếu ổn định. Từ đó dẫn đến tỷ lệ kết hôn và mức sinh giảm theo, đẩy nhanh quá trình già hóa dân số và thiếu hụt nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động. Điều này đã và đang xảy ra ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Thiếu phụ nữ để kết hôn buộc nam giới phải tính đến lựa chọn kết hôn với người nước ngoài. Trong nhiều năm qua, hàng trăm ngàn cô gái Việt Nam kết hôn với người ngoại quốc, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Và từ “xuất khẩu cô dâu”, trong tương lai không xa, Việt Nam có thể phải “nhập khẩu vợ” cho hàng triệu đàn ông trong nước. Hôn nhân xuyên biên giới mà chưa có tình yêu, sự tìm hiểu kỹ càng sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thực như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa ứng xử, tôn giáo, quan niệm,…Từ đó dễ dẫn đến sự mâu thuẫn, xung đột, làm tăng các vụ bạo lực gia đình, dẫn đến đổ vỡ, ly hôn, đe dọa hạnh phúc gia đình, làm mất ổn định xã hội.

Theo dự báo của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nếu không có những biện pháp can thiệp phù hợp, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới. (Ảnh minh họa)

Kết hôn muộn hoặc không kết hôn khiến nhiều nam giới gặp phải những vấn đề về tâm lý, tình cảm, bệnh tật khi nhu cầu tâm sinh lý không được đáp ứng. Các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm sẽ tăng lên cùng với nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em theo đó cũng diễn biến hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chỉ ra rằng ở Việt Nam con gái được tin cậy và được đánh giá cao vì sự gần gũi tình cảm với cha mẹ, sự đóng góp về kinh tế và hỗ trợ đối với gia đình cha mẹ đẻ. Nhiều người được phỏng vấn khẳng định rằng con gái cũng có thể chăm sóc cha mẹ già và thờ cúng tổ tiên. Xã hội hiện đại hóa và hội nhập sẽ tạo ra những xung lực mới để giải thể những định kiến, niềm tin, chuẩn mực đã lỗi thời, không còn phù hợp. Tuy nhiên, diễn biến của quá trình này như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp của các nhà hoạch định chính sách.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/hoc-van-cao-va-cong-nghe-hien-dai-lam-tang-muc-do-mat-can-bang-gioi-tinh-d159469.html