Học viện CSND: Hai biện pháp đột phá trong đào tạo cán bộ

Thời gian qua, Học viện Cảnh sát nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới công tác giáo dục đào tạo có tính đồng bộ, trong đó có 2 biện pháp mang tính đột phá mà Học viện đã và đang tiến hành bước đầu có kết quả.

Ra đời ngày 15/5/1968, trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Cảnh sát nhân dân đã năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân. Khi mới ra đời trường chỉ có 5 khoa, 3 phòng chức năng với 43 cán bộ, đến nay Học viện đã có 31 đơn vị khoa, phòng, bộ môn, trung tâm với một đội ngũ gần 600 cán bộ, giáo viên, trong đó có 2 giáo sư, 8 phó giáo sư, 45 tiến sĩ, 150 thạc sĩ, 97 giảng viên chính. Hơn 40 năm qua, Học viện đã đào tạo được 35 khóa đại học chính quy, 24 khóa đại học vừa làm vừa học, 25 khóa đại học chuyên tu với gần 2 vạn cử nhân ra trường. Học viện cũng đã vươn lên đào tạo được gần 1 nghìn thạc sỹ, gần một trăm tiến sỹ luật học, hàng nghìn cán bộ lãnh đạo chỉ huy của lực lượng Cảnh sát nhân dân toàn quốc và các nước bạn. Bên cạnh đó, Học viện đã tiến hành nghiên cứu thành công hàng nghìn đề tài khoa học các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc. Hai năm 2007 và 2008, Học viện đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2009 Học viện được đề nghị tặng Cờ thi đua của Bộ Công an... Cùng với các Học viện, nhà trường Công an nhân dân, với phương châm hành động "truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển", Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang đổi mới toàn diện công tác giáo dục đào tạo cán bộ Công an, Cảnh sát. Lễ xuất quân đi thực tế của học viên Học viện CSND. Thời gian qua, Học viện Cảnh sát nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới công tác giáo dục đào tạo có tính đồng bộ, trong đó có 2 biện pháp mang tính đột phá mà Học viện đã và đang tiến hành bước đầu có kết quả: Thứ nhất, có nhiều cơ chế và hình thức gắn công tác giáo dục và đào tạo với thực tiễn chiến đấu của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Thực tiễn tại Học viện Cảnh sát nhân dân trong thời gian qua đã tiến hành bằng nhiều hình thức: Tổ chức ký kết hợp tác liên kết giữa Học viện với Công an TP Hà Nội. Mỗi khoa, bộ môn, đơn vị của Học viện tổ chức kết nghĩa với một phòng nghiệp vụ và một Công an quận, huyện của Hà Nội. Vào dịp Tết Nguyên đán, kỳ thi đại học, Học viện đã chi viện cho Công an TP Hà Nội mỗi đợt 500 học viên hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự. Cán bộ, học viên của Học viện thường xuyên xuống cơ sở để kiến tập, tham quan, nghiên cứu tại các địa bàn kết nghĩa và ngược lại, các cán bộ của Công an TP Hà Nội thường xuyên vào báo cáo, hướng dẫn học viên học tập, nghiên cứu thực tiễn. Học viện đang triển khai ký kết hợp tác với Tổng cục Cảnh sát và Cục Quản lý trại giam theo hướng mỗi khoa, bộ môn kết nghĩa và được sự đỡ đầu của một Cục nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và mỗi khoa, bộ môn của Học viện kết nghĩa với một Phòng nghiệp vụ và một Trại giam của Cục Quản lý trại giam. Với cơ chế hợp tác giữa Học viện với 3 đơn vị trên, công tác giáo dục, đào tạo của Học viện đã có chuyển biến mới về chất, gắn với thực tiễn. Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể, Học viện còn phối hợp với các địa phương khác để gắn giáo dục, đào tạo với thực tiễn. Bên cạnh đó, Học viện thường xuyên phối hợp với các Cục Nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu nhiều đề tài khoa học các vấn đề khoa học - thực tiễn về an ninh, trật tự. Học viện tổ chức giảng dạy, cập nhật những tri thức mới nhất về chính trị, khoa học, công nghệ, kinh tế, pháp luật, nghiệp vụ cho các Chương trình đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng lãnh đạo, chỉ huy Cảnh sát... Thứ hai, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, Học viện đã tăng cường học tập ngoại ngữ và tin học cho cán bộ, học viên và coi đây là một trong những chìa khóa để đổi mới công tác dạy và học trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Học viện đã mở được 11 lớp gồm hơn 400 cán bộ, học viên học đại học tiếng Anh tại chức. Nhiều biện pháp học tập ngoại ngữ được triển khai như: học trên lớp, tổ chức Câu lạc bộ tiếng Anh, dạ hội ngoại ngữ, ra Nội san sinh viên bằng các ngoại ngữ, tổ chức các diễn đàn khoa học bằng ngoại ngữ có mời giảng viên nước ngoài, diễn thuyết bằng ngoại ngữ, cử các cán bộ trẻ biết ngoại ngữ đi công tác nước ngoài v.v… nên đã tạo được phong trào học tập ngoại ngữ trong cán bộ và học viên. Học viện được Bộ Công an cho phép tổ chức ký kết hợp tác với các Học viện, Trường Đại học Cảnh sát trong khu vực và thế giới. Hiện nay Học viện Cảnh sát nhân dân đã ký kết hợp tác với 5 trường đại học: Trường Đại học Công an nhân dân Trung Quốc, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Học viện An ninh quốc gia Lào, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Campuchia, Viện Nghiên cứu cao cấp về an ninh - trật tự Bộ Nội vụ Pháp. Hằng năm Học viện tiến hành trao đổi các đoàn cán bộ, học viên với các học viện, nhà trường bạn. Bộ Công an cũng cho phép Học viện tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo Cảnh sát; tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn quốc tế; tổ chức cho cán bộ, học viên đi kiến tập, tham quan ở nước ngoài. Hiện nay Học viện đã và đang phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng các dự án hợp tác đào tạo quốc tế về phòng chống tội phạm, Cảnh sát giao thông... Trong thời gian tới, đây vẫn là hai giải pháp mang tính đột phá để Học viện đào tạo giảng viên theo tiêu chí mỗi giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân phải đạt được 3 yêu cầu: là một nhà sư phạm giỏi, là một cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi, là một nhà hoạt động thực tiễn giỏi. Đổi mới công tác giáo dục đào tạo cán bộ Công an nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, và hai biện pháp quan trọng mang tính đột phá trên của Học viện Cảnh sát nhân dân đã đạt được nhiều kết quả khả quan

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/tinnganh/2009/9/150945.cand