Học viện Khổng Tử lại nở rộ tại châu Phi, vì sao?

Trung Quốc đang tập trung mở hàng loạt Học viện Khổng Tử tại châu Phi, như là một nỗ lực gia tăng 'quyền lực mềm' của họ ở châu lục này.

Theo công ty tư vấn quốc tế Development Reimagined, từ năm 2004 đến nay, số Học viện Khổng Tử tại châu Phi tăng từ 0 lên 48.

Trên thực tế, Học viện Khổng Tử được xây dựng giống như các một hình của những viện văn hóa phương Tây như Institut Français của Pháp, Viện Goethe của Đức hoặc Hội đồng Anh của Vương quốc Anh. Những cơ sở như vậy đã hoạt động ở châu Phi kể từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Dù "đi sau" các nước phương Tây tới tận 100 năm trong việc mở các Học viện Văn hóa, nhưng hiện nay Trung Quốc chỉ xếp sau Pháp về số lượng các học viện kiểu này trên toàn cầu.

Một Học viện Khổng Tử được thành lập thông qua quan hệ đối tác giữa một trường đại học Trung Quốc, một trường đại học quốc gia chủ nhà và Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc Quốc tế (Hanban), một tổ chức xúc tiến ngôn ngữ và văn hóa thuộc Bộ giáo dục Trung Quốc. Hanban sẽ gửi người đến Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để dạy văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc.

Tiến sĩ Ishmael Mensah, giám đốc của Học viện Khổng Tử tại Đại học Cape Coast, Ghana, nói rằng mục tiêu của cơ quan của ông là “thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa người Ghana và người Trung Quốc”.

Ông Mensah nói rằng việc dạy tiếng Quan Thoại giúp những người Ghana trẻ tuổi có một “vị trí tốt hơn để tương tác với các đồng nghiệp Trung Quốc của họ". Ông Mensah lưu ý rằng các lớp học nhận được nhiều sự quan tâm và dạy khoảng 2 nghìn sinh viên mỗi học kỳ.

Dù thực tế Trung Quốc đang xây dựng các viện Khổng Tử như những quốc gia châu Âu đã hoạt động trong nhiều thập kỷ, nhưng cấu trúc của hoạt động của những viện này khiến chúng khác biệt so với các viện văn hóa của phương Tây. Cụ thể, một học viện Khổng Tử thì đại học chủ nhà chỉ cung cấp văn phòng và không gian giảng dạy còn các giảng viên là do Trung Quốc chi lương và giảng dạy theo chương trình của Trung Quốc.

Với cấu trúc hoạt động này - một cơ sở giáo dục do chính phủ nước ngoài tài trợ kinh phí hoạt động - khiến Học viện Khổng Tử gây tranh cãi ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ. Tại Mỹ có nhiều cáo buộc khẳng định Học viện Khổng Tử là cách chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng đến tính toàn vẹn học thuật. Hồi năm 2014, Đại học Chicago đã từ chối gia hạn hợp đồng với Hanban sau khi thương lượng thất bại về nội dung của chương trình dạy. Vào tháng 6 năm đó, Hiệp hội giáo sư đại học Mỹ đã ban hành một báo cáo kêu gọi các trường đại học cắt đứt quan hệ với Học viện Khổng Tử, trừ khi họ có thể đàm phán lại các hợp đồng nhằm bảo đảm khả năng kiểm soát các vấn đề học thuật của trường.

Tuy nhiên, tại châu Phi thì những chuyện này hoàn toàn bị bỏ lơ. Theo ông Mensah là do các nước châu Phi không thấy sự xung đột lợi ích nào với Học viện Khổng Tử.

Ông Mensah cho rằng trái với những lo ngại ở phương Tây rằng Trung Quốc có thể "viết lại lịch sử" hoặc văn hóa thế giới qua các chương trình của Học viện Khổng Tử, thì chương trình hiện nay chỉ "tập trung vào thư pháp, âm nhạc và khiêu vũ".

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ tại các nước phương Tây, một Học viện Khổng Tử sẽ được xếp vào phòng nghiên cứu Đông Á của trường Đại học liên kết, nơi những xung đột về học thuật có thể diễn ra. Còn tại châu Phi, Học viện Khổng Tử là nơi nghiên cứu văn hóa Đông Á duy nhất tại trường đại học của họ.

Ái Vi (theo QZ)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/hoc-vien-khong-tu-lai-no-ro-tai-chau-phi-vi-sao-94450.html