Hồi âm vệt bài 'Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển - Tại sao, khơi thông cách nào?' - Phải loại bỏ những quy định không biết thực hiện thế nào cho đúng

Sau khi vệt 5 bài 'Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển-Tại sao, khơi thông cách nào?' được đăng tải trên trang 1 Báo Quân đội nhân dân từ ngày 17 đến 21-4-2023, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến hồi âm của bạn đọc là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, đại diện hiệp hội ngành hàng, doanh nhân... đánh giá cao chất lượng của vệt bài, khẳng định tắc nghẽn pháp lý đang cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.

Bạn đọc đồng tình với cách lý giải nguyên nhân của vấn đề và các giải pháp mà vệt bài đã nêu, đồng thời đóng góp thêm cách thức để giải quyết thực trạng hiện nay.

TS NGUYỄN MINH THẢO, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Môi trường kinh doanh không an toàn sẽ ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ vậy đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy vậy, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn. Minh chứng rõ nhất là, có những văn bản quy phạm pháp luật (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên...) không biết thực hiện như thế nào cho đúng. Rà soát các văn bản pháp lý cho thấy vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học...

Đơn cử, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học, chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh, áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.

Bất cập chính sách không chỉ đang đè nặng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước. Môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế. Năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương.

Song thực tế cho thấy, tiến trình cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Do đó, các văn bản pháp luật cần được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ. Cần phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong quá trình thẩm định; xây dựng cơ chế rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến. Cần khuyến khích động lực cải cách từ chính quyền địa phương, đẩy mạnh cơ chế đối thoại với doanh nghiệp và có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

VŨ DUNG (ghi)

Hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Nien Hsing, khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Nien Hsing, khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam:

Gỡ nút thắt để tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất, nút thắt cần tháo gỡ nhất là thúc đẩy triển khai các dự án để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà có giá phù hợp. Có nguồn cung thì thị trường mới có hàng hóa, người dân mới tiếp cận được và khi đó mới có nhu cầu vay tiền để mua nhà. Hiện nay, chúng ta gần như không có sản phẩm nhà ở xã hội mới trên thị trường.

Đối với gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, các thủ tục để người vay tiếp cận cần cụ thể, rõ ràng hơn nữa. Bên cạnh đó, mức lãi suất của gói tín dụng này cao hơn nhiều so với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã triển khai trước đây. Với mức lãi suất này, người thu nhập thấp rất khó chi trả.

Không chỉ có nhà ở xã hội mà rất nhiều dự án bất động sản hiện đang gặp vướng mắc pháp lý. Hiện nay, nhiều địa phương gần như "án binh bất động" vì đụng vào đâu cũng thấy khó, không xử lý, dẫn đến thị trường khan hiếm nguồn cung, giao dịch giảm sút. Vì vậy, cần thiết phải rà soát những điểm ách tắc để có giải pháp tháo gỡ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật là quá trình lâu dài, phức tạp, không thể chủ quan, nóng vội, làm qua loa để tránh việc đã ách tắc lại càng ách tắc.

Vừa qua, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có tác dụng rất tốt. Trong đó có việc sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho căn hộ khách sạn (condotel), hứa hẹn sẽ giúp cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc, nhà đầu tư yên tâm hơn.

Theo tôi, cần có thêm nhiều hơn những văn bản như Nghị định số 10/2023/NĐ-CP để giải quyết các điểm nghẽn, nhất là việc phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản gồm các khâu như: Đấu thầu, đấu giá, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, cấp phép xây dựng... Đây là những vấn đề đang tạo ra khó khăn cho địa phương khi xử lý hồ sơ, phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, cần có quy định của pháp luật về quy trình xử lý từng khâu đối với dự án bất động sản để địa phương theo đó thực hiện, bảo đảm đúng nhất, phù hợp nhất.

MẠNH HƯNG (ghi)

----------

Thạc sĩ kinh tế ĐINH TIÊN HOÀNG (Trường Đại học Văn Lang)

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng

Đọc loạt bài “Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển-Tại sao, khơi thông cách nào?" đăng trên Báo Quân đội nhân dân, tôi rất tâm đắc về góc nhìn, phân tích, lý giải một cách toàn diện và cụ thể về hiện trạng pháp lý, quy định nhà nước được thực thi, áp dụng vào thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội.

Những minh chứng, phân tích cặn kẽ cho thấy rõ thực trạng là các chính sách quản lý, quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, có độ vênh, cứng nhắc, có khi cào bằng, chưa chú ý đến tính đặc thù. Chính điều đó khiến cán bộ thực thi và cơ quan quản lý, chức năng lúng túng, sợ làm sai và thậm chí không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm.

Hậu quả là dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp, nhà đầu tư bị thiệt hại. Tại TP Hồ Chí Minh hiện nay có nhiều dự án bị đình trệ, có dự án bị kéo dài, chậm trễ hàng chục năm, bên cạnh nguồn lực tài chính thì khoảng 70% là do vướng mắc về pháp lý. Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp tổ chức nhiều cuộc đối thoại do lãnh đạo thành phố chủ trì cùng các ban, ngành chức năng gỡ vướng cho từng dự án.

Dự án The Manhattan quận 1 của Tập đoàn Novaland là 1 trong 7 dự án đầu tiên được UBND TP Hồ Chí Minh gặp gỡ đối thoại vào tháng 2-2023 thì đến đầu tháng 4, các vướng mắc pháp lý của dự án này đã được giải quyết. Tập đoàn Novaland đã ký kết với Ngân hàng TPBank và đơn vị thi công Ricons tái khởi động dự án trong tháng 4-2023. Kết quả đó cho thấy, các vướng mắc pháp lý đều có thể giải quyết được nếu cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, đúng hướng, kịp thời.

TRUNG KIÊN (ghi)

----------

Ông HOÀNG TRỌNG THỦY, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Ba “nút thắt” lớn trong nông nghiệp cần sớm tháo gỡ

Theo tôi, điểm nghẽn hay nói cách khác là nút thắt lớn nhất đối với nông nghiệp chính là cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai. Hiện nay, 75% số hộ nông dân canh tác với diện tích đất nông nghiệp dưới 0,2ha thì làm sao áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất tốt được. Để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn thì phải có chính sách tập trung đất đai, chẳng hạn như tập trung đất đai ở các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác.

Nút thắt thứ hai là vốn đầu tư công và vốn tín dụng cho nông nghiệp. Thời gian qua, số vốn đầu tư cho nông nghiệp mặc dù có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Nguồn vốn đầu tư thấp, đất đai sản xuất nông nghiệp manh mún khiến việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn gặp khó, trong đó việc triển khai thực hiện liên kết chuỗi sản xuất cũng gặp khó.

Nút thắt thứ ba chính là công tác đào tạo nghề cho nông dân. Nếu như chúng ta nói đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 10%, đây là cuộc chuyển dịch rất lớn đối với người nông dân và trong cơ cấu lao động. Thế nhưng, hiện nay công tác đào tạo nghề vẫn chưa đạt hiệu quả, nông dân vẫn chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm là chính.

Đã đến lúc chúng ta cần phải coi làm nông là một nghề. Muốn sản xuất lớn theo quy mô hàng hóa, gắn với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu thì nông dân phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Ba vấn đề này nếu Nhà nước không kịp thời có chính sách và quy định pháp luật phù hợp thì việc nông nghiệp sản xuất quy mô hàng hóa lớn mà chúng ta đang phấn đấu hướng tới sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

NGUYỄN KIỂM (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hoi-am-vet-bai-tac-nghen-phap-ly-can-dong-phat-trien-tai-sao-khoi-thong-cach-nao-phai-loai-bo-nhung-quy-dinh-khong-biet-thuc-hien-the-nao-cho-dung-726019