Hội An chưa thực hiện thu phí toàn bộ du khách vào tháng 5

Ngày 8/4, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An cho biết đã đề nghị UBND thành phố chưa thực hiện phương án phân luồng và bán vé cho tất cả du khách vào phố cổ từ 15/5 như dự kiến...

Ảnh minh họa.

Bí thư Thành ủy Hội An cho hay thành phố sẽ họp với người dân, các hộ kinh doanh để tìm giải pháp tối ưu, có sự đồng thuận cao nhất thì họp báo công khai rồi từng bước triển khai. Hiện việc phân luồng, cách quản lý kiểm soát sao để vừa chống thất thu, vừa tạo sự thoải mái cho du khách đang được nghiên cứu. Ông Ánh cho rằng Hội An cần tham khảo thêm kinh nghiệm trong nước và thế giới để tìm phương án tối ưu, chỉ áp dụng với khách du lịch thực sự.

"Phương án thu phí mới là vấn đề liên quan đến nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, nên chúng tôi có đề nghị UBND TP. Hội An trước mắt vẫn làm như cũ. Còn những vấn đề mới thì chuẩn bị kỹ để báo cáo, bàn kỹ trong Ban thường vụ Thành ủy, thống nhất mới bắt đầu triển khai", Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh cho biết.

Theo lãnh đạo Thành ủy Hội An, trong phương án mới có nhiều nội dung chưa thực hiện trước đây. Như khung thời gian đặt ra trong việc mở rộng phố đi bộ Phan Chu Trinh, thì thời gian thế nào là phù hợp trong ngày để vừa đảm bảo tiện ích sinh hoạt của người dân địa phương, vừa tạo không khí thoải mái, bình an cho du khách khi đến Hội An. Đối với việc bán vé cho du khách vào phố cổ, hầu hết người nước ngoài đã mua vé, còn người trong nước có tỉ lệ mua vé rất thấp. Điều này phải từng bước tính toán, chứ không phải ai vào phố cổ cũng phải mua vé.

"Những cái mới phải thận trọng, bàn kỹ phương pháp trước khi thực hiện để vừa đảm bảo hình ảnh Hội An thân thiện, vừa đảm bảo nguyên tắc bảo tồn di sản tối đa và tạo sự công bằng giữa du khách và người đến Hội An làm việc. Thời điểm áp dụng phải bàn kỹ rồi mới làm," ông Trần Ánh nhấn mạnh.

Cần bàn kỹ phương pháp trước khi thực hiện để vừa đảm bảo hình ảnh Hội An thân thiện, vừa đảm bảo nguyên tắc bảo tồn di sản.

Hiện khách vào phố cổ Hội An muốn tham quan những điểm nhất định kèm thuyết minh mới phải mua vé, khách đi dạo phố và ăn uống được miễn phí. Theo quy chế thu phí vào phố cổ Hội An (khu vực I) đang thực hiện từ năm 2012 đến nay, giá vé 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế, 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa.

Với tinh thần cầu thị, Bí thư Hội An đã gửi lời cảm ơn đến tình cảm và sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước đối với Hội An và mong nhận muốn tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của cộng đồng. "Di sản này không phải của riêng ai. Chúng tôi mong rằng khi đến du lịch Hội An, du khách cố gắng góp phần nào đó để bảo tồn, giữ gìn phố cổ cho muôn đời sau, để thế hệ con cháu đến tham quan và thưởng thức giá trị của di sản", ông Trần Ánh nói.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay: "TP. Hội An đang tiếp tục bàn bạc về phương án thu phí, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp và sẽ họp báo thông tin đầy đủ. Việc nào không đúng sẽ điều chỉnh, cách làm sẽ mềm dẻo, linh hoạt". Theo ông Sơn, ngày 15/5, địa phương sẽ mở rộng phố đi bộ ra tuyến đường Phan Chu Trinh, bố trí lực lượng hướng dẫn tham quan, không để du khách đi như trước đây mà không có ai kiểm tra, kiểm soát.

Ông Sơn cho biết tuần tới, địa phương tổ chức họp dân ở phường Minh An và Cẩm Phô. Sau khi xong việc họp dân, họp doanh nghiệp lữ hành, hoàn chỉnh phương án mới tổ chức họp báo. "Tôi khẳng định người dân là chủ di sản sẽ quyết định. Nếu phương án đưa ra có một số vấn đề người dân không đồng tình hết thì cũng không làm”, ông Sơn khẳng định.

Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi vậy hoạt động du lịch tại các địa điểm này luôn được nhiều người quan tâm. Với số lượng khách du lịch lớn, nguồn thu từ bán vé cũng không phải là con số nhỏ. Bởi vậy, quy định về việc bán vé cũng được các địa phương hết sức cân nhắc.

Khoảng 50 - 70% tiền thu được từ vé tham quan tại Hội An được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân.

Điển hình như Vịnh Hạ Long, du khách cần phải bỏ ra 290 nghìn đồng để mua vé tham quan vịnh, thêm vào đó là chi phí vé tàu giao động khoảng 150 - 200 nghìn đồng cho một lần di chuyển. Hay phí tham quan tại quần thể Di tích Cố đô Huế có giá cho mỗi địa điểm từ 100 - 200 nghìn đồng... Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tổng lượt khách đến tham quan di tích tại Huế trong tháng 1, 2 năm 2023 là 315 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế là 158 nghìn và khách Việt Nam là 157 nghìn, doanh thu đạt 50 tỉ đồng.

“Hiện nay nguồn thu từ vé tham quan đang là nguồn thu ngân sách lớn của Hội An. Khoảng 50 - 70% tiền thu được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân. Trong khi hiện Hội An có khoảng 155 (chiếm 14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão”, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho hay.

Có thể nói, việc TP.Hội An đặt ra quy định bán vé mới cho thấy nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc xây dựng vững chắc hơn nguồn thu để bảo tồn di sản. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, cần một cách tiếp cận thận trọng để giữ gìn thương hiệu thành phố du lịch thân thiện.

Tường Bách

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoi-an-chua-thuc-hien-thu-phi-toan-bo-du-khach-vao-thang-5.htm