Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hợp tác đào tạo chăm sóc người cao tuổi với Nhật Bản

Chiều ngày 15/11, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Giới thiệu Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi' - (Đào tạo Kaigo) - một mô hình đào tạo nhân lực chất lượng cao nghề chăm sóc người cao tuổi đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản và gắn với bố trí giải quyết việc làm sau đào tạo.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình phối hợp trong công tác nhân đạo, giai đoạn 2017-2020 giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐ-TB&XH; Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và công tác xã hội Việt Nam; Bà Masae Otsuka, Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; cùng đại diện Công ty Phát triển đào tạo nguồn nhân lực Châu Á; Hiệp hội Phát triển nhân lực nghề chăm sóc Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất thế giới hiện nay. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình cứ một giây trên thế giới có hai người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi.

Năm 2015 thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% dân số. Con số này sẽ tăng lên hơn hai tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới. Và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức như vậy.

Với thực trạng này, nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đủ kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, người khuyết tật đang là vấn đề lớn của không chỉ ở các nước khác mà cả ở Việt Nam.

Bà Masae Otsuka, Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản phát biểu.

Bà Masae Otsuka, Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi cao và sớm so với Việt Nam, Nhật Bản đã trải qua một quá trình dài tập trung cho nghiên cứu, đào tạo và đầu tư cho phúc lợi, an sinh xã hội để chăm sóc người cao tuổi.

Có thể khẳng định rằng, Nhật Bản là quốc gia tiên phong và có nhiều kiến thức kinh nghiệm thành tựu trong chăm sóc người cao tuổi. Ở Nhật Bản, cách đây nhiều năm, việc chăm sóc người giàcũng do người trong gia đình làm giống như ở Việt Nam. Nhưng hiện nay, cùng với xu hướng gia đình hạt nhân và xã hội hóa người cao tuổi.

Tại Nhật Bản, “nhân viên chăm sóc người cao tuổi” có chuyên môn đóng vai trò quan trọng trong công việc trợ giúp người già. Ngoài ra có cả chứng chỉ hành nghề cấp quốc gia “Nhân viên chăm sóc người cao tuổi và phúc lợi xã hội” cấp cho người có chuyên môn cao. Công việc này đòi hỏi người làm phải có kiến thức chuyên môn cao và kỹ năng giao tiếp tốt để vừa chăm sóc người cao tuổi vừa kết hợp với bác sĩ để công việc thuận tiện, trôi chảy. Có thể nói, nghề chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản là công việc “chuyên nghiệp” đòi hỏi tính chuyên môn cao.

Bà Masae Otsuka cho biết thêm, theo dự báo của Chính phủ Nhật Bản, đến năm 2025, nước này sẽ cần tối thiểu 2.530.000 người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, hiện còn thiếu khoảng 378.000 người. Do đó, chương trình đào tạo của Hội Chữ thập đỏ được tiếp cận và được áp dụng tại Việt Nam sẽ có tính hiệu quả lớn.

TS.Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao mô hình hợp tác này với Nhật Bản, vì đến năm 2048 mô hình giá hóa của dân số Việt Nam giống hệt với mô hình già hóa dân số của Nhật Bản ngày hôm nay. Cho nên việc chúng ta đào tạo, huấn luyện những người chăm sóc người cao tuổi là rất quan trọng đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta còn tham gia vào thị trường lao động quốc tế về chăm sóc người cao tuổi.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.

Ở Việt Nam, trong các bệnh viện và cơ sở dưỡng lão cũng có nhân viên làm công việc chăm sóc như là một nghề, tuy nhiên phần chính của việc chăm sóc vẫn do người nhà đảm nhiệm. Các kết quả khảo sát thực trạng nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội (năm 2016-2017) cho thấy, mô hình trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi; Chương trình hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nghề chăm sóc người cao tuổi giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các đối tác Nhật Bản; Những triển vọng, cơ hội việc làm tại Nhật Bản cho người tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi.

Đại diện các bên bắt tay cùng hợp tác.

Đây là chương trình đào tạo thường xuyên, với thời gian mỗi khóa học dưới 3 tháng, trong đó thời gian thực hành kỹ năng mỗi khóa học tối thiểu 80% thời lượng toàn khóa. Việc tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng, rèn luyện tác phong làm việc và thực hành được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Việc thực tập kỹ năng giai đoạn trước mắt được Trung tâm Đào tạo cán bộ tổ chức liên kết với các Viện dưỡng lão, các bệnh viện để đưa học viên đến thực tập. Từ năm 2019, Trung tâm sẽ triển khai xây dựng cơ sở thực tập riêng để quá trình đào tạo được khép kín.

Dự kiến khóa đầu tiên bắt đầu khai giảng vào đầu tháng 01/2019. Hiện tại, Trung tâm Đào tạo cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng các đối tác Nhật Bản hoàn thiện chương trình tổng thể chi tiết, giáo trình tài liệu đào tạo và sẽ tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo kế hoạch dự kiến. Ngoài ra sẽ triển khai hoàn thiện cơ sở thực hành phục vụ cho chương trình đào tạo. Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có trình độ văn hóa THPT trở lên, có đủ sức khỏe và có nguyện vọng học tập đều có thể tham gia chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi được xây dựng theo Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo thường xuyên với mục tiêu Bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhằm trang bị, nâng cao thêm kiến thức, năng lực thực hiện nghề chăm sóc người cao tuổi; bổ sung kiến thức mới, hoàn chỉnh kỹ năng nghề theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, công việc.

Theo đó, sẽ có 2 chương trình đào tạo theo cấp độ: Một là: “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản chăm sóc người cao tuổi”, chương trình đáp ứng đủ những yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng nhằm đảm bảo cho người học có thể vận dụng, hành nghề tại các cơ sở y tế (có Khoa Lão khoa), Viện dưỡng lão, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi…trong nước.

Hai là “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao chăm sóc người cao tuổi” (Chương trình đào tạo Kaigo) dành cho người đã tốt nghiệp Chương trình cơ bản - là chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề phù hợp với những đặc thù khác nhau của mỗi nơi làm việc; phù hợp với sử dụng các trang thiết bị hiện đại của nơi làm việc; rèn luyện ý thức, tác phong, thái độ làm việc phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền đất nước nơi làm việc; phù hợp với pháp luật, các quy định của nước sở tại.

Hồng Loan

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/hanh-trinh-chu-thap-do/hoi-chu-thap-do-viet-nam-hop-tac-dao-tao-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-voi-nhat-ban-15795