Hội chứng 'ngáo ộp' Nga: Tưởng tượng thành thực tế mới...

Tân Tổng tham mưu trưởng của quân đội Anh cảnh báo Nga đang đe dọa an ninh nước này còn lớn hơn cả IS, Al-Qaeda.

Nỗi sợ nước Nga ngày càng lớn

Tờ Nhật báo The Telegraph ngày 24/11 đăng tải một bài phỏng vấn dành cho Tân Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Anh, tướng Mark Cerleton-Smith.

Tướng Cerleton-Smith cho biết: "Nước Nga đã chứng tỏ là họ sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ và phát triển các lợi ích quốc gia của họ. Nga vẫn tìm cách khai thác những điểm yếu ở bất cứ nơi nào mà họ phát hiện".

Những nhận định này được rút ra sau chuyến thăm Estonia, nơi mà lính Anh được triển khai trong khuôn khổ NATO, cách biên giới Nga chỉ 150km. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh cho rằng Nga đang tìm mọi cách để tấn công Anh và các quốc gia châu Âu khác bằng những biện pháp "phi truyền thống", trong đó kể đến tội phạm tin học, chiến tranh tàu ngầm, chiến tranh vũ trụ và chiến tranh điệp viên.

Nói với Telegraph, Tướng Carleton-Smith khẳng định: "Ngày nay, Nga không thể chối cãi là mối đe dọa lớn nhất với an ninh quốc gia chúng ta, nó còn lớn hơn so với các mối đe dọa đến từ Hồi giáo cực đoan như khủng bố IS và khủng bố Al-Qaeda".

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Anh Mark Cerleton-Smith

Vị Tướng này nhận định thêm, khi các thế lực khủng bố là những kẻ nguy hiểm và bạo tàn, nhưng chúng không tinh ranh và có tiềm lực quân sự, kinh tế, những đối thủ này ở ngoài sáng, còn Nga đang ở trong bóng tối và phá hoại những giá trị an ninh Anh cũng như châu Âu.

"Chúng ta không thể tự mãn rằng mình có đủ sự đề phòng trước những đe dọa mà Nga mang lại" - Tổng tham mưu trưởng Carleton-Smith nhấn mạnh.

Như vậy, với những gì hiện diện trong suy nghĩ cũng như phát ngôn của ông Carleton-Smith, mối đe dọa lớn nhất của Anh là Nga. Và chắc chắn, mọi tiềm lực quân sự của Anh sẽ được dùng để đối đầu với Nga, một thế cuộc mới sẽ được diễn ra trong mối quan hệ của hai quốc gia trong những năm tiếp theo.

Mỹ đã thành công về "ngáo ộp Nga"

Mối quan hệ giữa Anh và Nga xấu đi trầm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thành một phần lãnh thổ của mình. Những căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi Anh cáo buộc Nga đầu độc cự điệp viên Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 3/2018, nhiều nhà ngoại giao đã bị trục xuất khỏi Anh, và Nga đáp trả tương tự.

Tháng 10/2018, Anh tố cáo Nga tiến hành các vụ tấn công tin học lớn ở cấp độ toàn cầu trong nhiều năm trở lại đây. Cuối tháng 10, Anh tiến hành tập trận an ninh mạng, tác chiến mạng - lần đầu tiên quân đội Anh có cuộc tập trận kiểu này với đe dọa "cắt điện toàn bộ Moscow trong một thao tác".

Anh là quốc gia ủng hộ phong trào trừng phạt Nga mạnh mẽ nhất dưới sự phát động của Mỹ. Đồng thời, London cáo buộc những gì mà Moscow thể hiện với Syria và Iran nhằm thể hiện tham vọng thay đổi cục diện thế giới và gây ra những bất lợi với châu Âu.

Tuy nhiên, London không đơn phương trong những động thái đối đầu với Moscow. Luôn luôn có Mỹ đồng hành trong những hành động thù địch kiểu này.

Quân đội NATO trong cuộc tập trận Trident Juncture 2018

Giáo sư Sergey Sudakov thuộc Học viện Khoa học quân sự Nga nhận định, Washington đã gieo rắc vào đầu các đồng minh của mình về một nỗi sợ tưởng tượng mang tên "nước Nga", và những nỗi sợ này dần ám ảnh vào các hành động của những đồng minh này.

Giáo sư Sudakov lấy ví dụ về cuộc tập trận Trident Juncture 2018 và NATO thực hiện ở Bắc Âu hồi đầu tháng 11. "Họ đưa ra một mục tiêu giả định mang tên "quốc gia Murinus" có 99% biểu hiện giống với Nga. Toàn bộ NATO dồn hỏa lực vào đối tượng đó. Từ đối thủ giả tưởng mà Washington dựng lên, Mỹ đã khiến cho NATO tập luyện cách đối phó với Hải quân Nga tại biển Barents và biển bắc Na Uy".

Theo vị chuyên gia này, Washington luôn đề cao vai trò của mình trong việc dẫn đầu NATO và bảo vệ những người trong NATO trước "mối đe dọa Nga". Mỹ bằng cách nào đó ép buộc các thành viên trong NATO trả tiền cho các hoạt động đối phó với kẻ thù giả tưởng này. Trong khi Nga chưa từng cố gắng thay đổi bất kỳ một chính quyền tại một quốc gia nào.

"Đó là cách làm mà Mỹ cũng như phương Tây trở thành chuyên gia. Trong khi Nga chỉ cố gắng tìm cách bảo vệ những giá trị cơ bản cho một quốc gia mà Nga có quyền lợi" - Giáo sư Sudakov nhận định.

Chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov từng bày tỏ hồi tháng 11/2018 trên TASS, Mỹ đã dựng ra một kẻ thù đáng gờm là Nga. "Điều thành công nhất của Washington là khiến tất cả những ai chịu ảnh hưởng đều tin tưởng rằng Nga là kẻ thù, Nga gieo rắc nỗi sợ hãi. Rồi từ nỗi sợ tưởng tượng này, họ biến thành hành động thực tế".

Những gì mà Tướng Anh phát biểu nêu trên cho thấy các cảnh báo của chuyên gia Nga hoàn toàn không sai lầm. Mỹ đã xây dựng được một hệ tư tưởng theo kiểu niềm tin vào một giáo phái, rằng Nga là kẻ thù, là nỗi sợ hãi và phải cùng nhau chống lại sự đe dọa đó.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hoi-chung-ngao-op-nga-tuong-tuong-thanh-thuc-te-moi-3369853/