Hồi chuông cảnh tỉnh cho giới trẻ

Hiện nay, theo trào lưu giới trẻ thích bấm nhiều lỗ tai đeo khuyên để tạo thêm cá tính, phong cách cho riêng bản thân mình. Tuy nhiên, theo các bác sĩ viêc lạm dụng quá sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây hoại tử hay viêm sụn vành tai do vật bấm lỗ tai không được vô trùng, hoặc do nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc xỏ khuyên ở những cơ sở không đảm bảo an toàn.

Tiền mất tật mang

Theo thông tin từ Ths. BS Trần Hữu Thắng, Trưởng Khoa cấp cứu B7, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, gần đây có nhiều bạn trẻ bị biến chứng do bấm lỗ tai nhập viện “cầu cứu” bác sĩ. Cụ thể, trong vòng 2 tuần vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận 8 trường hợp bệnh nhân bị viêm sụn vành tai do bấm lỗ tai. Đa phần đều là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 14 – 25 tuổi.Đáng lo ngại, các trường hợp trên đều đến viện khám muộn, nên việc điều trị trở nên khó khăn và chi phí điều trị tốn kém hơn.

Là một trong tám bệnh nhân nhập viện điều trị vì viêm sụn tai do bấm lỗ tai, Nguyễn Thu Phương (19 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: “Từ giờ em sẽ “chừa” không bấm thêm bất cứ lỗ tai nào nữa”. Được biết, dù đã có 2 lỗ tai được bấm từ nhỏ ở phần dái tai nhưng vì muốn tạo thêm cá tính cho mình và gây sự chú ý với bạn bè Phương đã bấm thêm nhiều lỗ tai ở phần trên.Tuy nhiên, đến khi bấm lỗ tai thứ 7, do thực hiện tại cơ sở tư nhân và làm bằng dụng cụ không vô trùng nên Phương đã bị viêm sụn tai và phải nhập viện điều trị. “Ban đầu, em không nghĩ vết thương ở tai lại trở lên nghiêm trọng đến vậy.

Ths. BS Trần Hữu Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu B7, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đang thăm, khám cho bệnh nhân.

Trong những lần bấm lỗ tai trước, em đã từng gặp các vấn đề như tai mưng mủ hoặc đau, tuy nhiên, tình trạng đó chỉ kéo dài vài ngày là khỏi. Bởi vậy, nên lần bấm lỗ tai này dù đau nhưng em chủ quan chỉ uống thuốc kháng viêm và tự vệ sinh tai như bình thường theo hướng dẫn của cơ sở bấm lỗ tai. Đến khi tai mưng mủ, phù nề ngày càng nặng gia đình mới tá hỏa đưa em đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu”, Phương chia sẻ.

Được biết, trong những lần đi bấm lỗ tai trước Phương ăn uống kiêng khem rất khổ sở, thậm chí là uống thuốc Alpha choay “thay cơm” hàng tuần chỉ để giữ cho lỗ bấm ở sụn không liền. “Trước đây em luôn nghĩ việc bấm đến 7 lỗ để xỏ khuyên ở tai như vậy là chuyện bình thường. Bởi em có những người bạn không chỉ xỏ khuyên ở sụn tai, còn xỏ ở mũi, rốn, lông mày và nhiều chỗ khác nữa trên cơ thể. Thậm chí, có bạn còn bấm tới 15 – 22 lỗ chỉ để xỏ khuyên, mà không lường trước được hậu quả biến chứng từ trào lưu này”, Phương cho biết thêm.

Biến chứng khôn lường

Lý giải về viêm sụn vành tai, bác sĩ Thắng cho biết: “Viêm sụn vành tai là một biến chứng nguy hiểm đối với những tín đồ của xỏ lỗ tai thời trang, vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Khác với trước đây, việc bấm lỗ tai truyền thống chỉ đơn thuần ở một vị trí là dái tai, thì giờ đây việc xỏ lỗ tai được thực hiện ở rất nhiều vị trí khác nhau trên vành tai, gây tổn thương cho sụn vành tai”.

Theo bác sĩ Thắng, xu hướng gần đây của giới trẻ là xâu lên trên của vành tai, bắt buộc là phải đâm xuyên qua vùng sụn. Trong khi da của tai được cấu tạo ở giữa là sụn, hai mặt của vành tai là da và rất ít mạch máu. Trong khi các tín đồ thích bấm nhiều lỗ tai không biết rằng, khi đâm xuyên qua sụn vành tai dễ gây ra nhiễm trùng.

Bệnh nhân bị viêm sụn tai do bấm lỗ đeo khuyên.

Đó là nhiễm trùng ở hai mạch của vành tai. “Nói về giải phẫu, vành tai có ít mạch máu nuôi, nên dễ gây nhiễm trùng. Bởi khi có máu nuôi thì bạch cầu mới đến để làm những kháng thể chống lại kháng nguyên gây nhiễm trùng. Bởi vậy, khi tổn thương ở sụn vành tai, thậm chí chỉ cần tỳ đè thôi đã gây ra những hiện tượng viêm tai thanh dịch, ứ dịch, thậm chí là tiêu sụn”, bác sĩ Thắng phân tích.

Đối với những bệnh nhân xỏ khuyên xuyên qua sụn phải đảm bảo được dụng cụ ấy vô trùng. Đặc biệt việc đâm qua sụn tai, đâm nhiều lỗ càng cần được sát trùng tốt và cho bệnh nhân uống thuốc để điều trị hiện tượng viêm. Bởi nếu không điều trị viêm ở nơi bắn lỗ tai sẽ gây ra nhiễm trùng. Hậu quả hoại tử toàn bộ sụn vành tai gây đau đớn và chi phí điều trị vô cùng tốn kém. Bởi vì, nhiễm trùng hay còn gọi viêm sụn vành tai phải sử dụng những kháng sinh mạnh, nên kinh phí lớn và quá trình điều trị kéo dài.

Cũng theo bác sĩ Thắng, đối với những hợp bệnh nhân bị viêm sụn vành tai do xỏ khuyên thường trải qua 4 giai đoạn bệnh. Giai đoạn đầu tiên là viêm tai thanh dịch (tụ dịch). Giai đoạn thứ hai là xung huyết.Giai đoạn thứ ba là viêm tấy và giai đoạn cuối cùng là hóa mủ đồng thời là hoại tử sụn.Tùy từng giai đoạn, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị hợp lý cho bệnh nhân. Giai đoạn sớm nhất, tụ dịch vành tai, các bác sĩ có thể kết hợp với việc dẫn lưu kín và điều trị bằng thuốc uống. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thắng thực tế đáng lo ngại hiện nay, nhiều bệnh nhân chủ quan với bệnh. Chỉ khi tai bị hoại tử, viêm sụn thì mới đến viện thăm khám.

Trong khi, với những bệnh nhân đến sớm, chỉ phải điều trị hàng ngày, sử dụng kháng sinh mạnh thì tai đã ổn định. Những bệnh nhân đến muộn đã bắt đầu có tụ dịch vành tai, sụn tai bắt đầu bị viêm bắt buộc bác sĩ phải nạo vét sụn, nạo vét hết tổ chức viêm. Khi mất sụn tai, da không có khung sẽ nhăn nheo lại như nấm mộc nhĩ, tai không trở về được trạng thái như ban đầu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Ngoài ra, nhiều trường hợp phải cắt bỏ da, gây thu nhỏ và biến dạng tai”- bác sĩ Thắng nói.

Trước thực trạng trên, bác sĩ Thắng khuyến cáo đối với những trường hợp muốn xỏ khuyên nên đâm xuyên ở vùng dái tai. Nếu muốn bấm lỗ tai ở những vùng cao hơn trên tai, xỏ nhiều lỗ hơn, thì cần chọn những cơ sở y tế đảm bảo để các bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn thực hiên. Và tốt nhất, tại các cơ sở y tế uy tín, sẽ đảm bảo mỗi người một bộ dụng cụ xỏ khuyên đã được tiệt trùng sạch sẽ,... để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân.

Đặc biệt, đối với những dụng cụ, trang sức đeo vào tai thì mọi người nên chọn những thiết bị lành tính. Khi mới bắn lỗ tai, nên sử dụng cọng chiếu, nhựa hoặc silicon để xỏ vào tai tạo lỗ mà không gây ra kích ứng. Tránh sử dụng những kim loại, đặc biệt là hợp kim, hoặc kim loại tái sử dụng,…sẽ gây ra kích thích nhiều hơn cho tai. Bởi nhiều trường hợp bị viêm sụn vành tai cũng có thể nguyên nhân là do những dụng cụ đeo vào tai không đảm bảo.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoi-chuong-canh-tinh-cho-gioi-tre-78125.html