Hội công chứng viên Hà Nội: Phát huy vai trò đầu tàu của công chứng cả nước

Ngày 23-9, Hội Công chứng viên (CCV) TP Hà Nội đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2021.

Trong 3 năm, nộp ngân sách hơn 97,3 tỷ đồng

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III, ông Đặng Mạnh Tiến – Phó Chủ tịch Hội CCV TP Hà Nội cho biết, đến nay TP Hà Nội có 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 10 Phòng công chứng, với sự tham gia hành nghề của khoảng 460 CCV.

Theo ông Tiến, trong nhiệm kỳ qua, các tổ chức hành nghề công chứng của Hà Nội đã công chứng 1.186.170 hợp đồng, giao dịch; nộp ngân sách 97,387 tỷ đồng. “Các yêu cầu công chứng đều được đáp ứng một cách nhanh chóng, thuận tiện với chất lượng ngày càng cao, uy tín của công chứng ở Thủ đô được xã hội thừa nhận và tin tưởng”, ông Tiến nói.

“Trong quá trình hoạt động, Hội CCV TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của Thành ủy, UBND TP; sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan”, ông Tiến nói.

Hội CCV Hà Nội cũng đã phối kết hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tổ chức một số buổi làm việc với các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để giải quyết những vướng mắc sau khi các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất được công chứng. Hàng năm, Hội đã tổ chức đầy đủ các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV, đảm bảo thời gian, chất lượng…

Tuy nhiên, với đặc thù là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó có thể tránh khỏi sai sót. Nhiều vụ kiện dân sự, thậm chí có dấu hiệu hình sự đã xảy ra liên quan đến trách nhiệm của CCV, tổ chức hành nghề công chứng. Trong 3 năm qua, Thanh tra Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp TP Hà Nội đã ra 49 quyết định xử phạt hành chính với các tổ chức hành nghề vi phạm với 14 tổ chức và cá nhân có vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đại hội Hội CCV TP Hà Nội.

Đại hội Hội CCV TP Hà Nội.

Chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội mới

Trong nhiệm kỳ tới, để không ngừng phát huy vai trò, chức năng của mình, Hội CCV TP Hà Nội xác định sẽ tập trung nghiên cứu và khắc phục những hạn chế, thiếu sót tại nhiệm kỳ II; sửa đổi, bổ sung các quy chế làm việc để có thể triển khai ngay Nghị quyết của Đại hội; Phối hợp với Sở Tư pháp TP Hà Nội trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng và CCV nhằm đưa hoạt động công chứng đi vào nền nếp, đúng pháp luật và Điều lệ của Hội.

Phát biểu tại Đại hội, GĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn biểu dương những kết quả đạt được của Hội CCV TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2018 được thể hiện tại báo cáo tổng kết.

Tính đến năm 2018, Hà Nội có 122 tổ chức với 465 CCV, là địa phương có số lượng tổ chức và số lượng CCV lớn nhất cả nước. Qua công tác quản lý Nhà nước, GĐ Ngô Anh Tuấn đánh giá, hoạt động của các tổ chức công chứng TP đã cơ bản tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nghề công chứng.

Từ đó, đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật lĩnh vực công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho tổ chức và công dân khi có nhu cầu công chứng và đóng góp không nhỏ vào nguồn ngân sách.

Theo GĐ Sở Tư pháp, trong bối cảnh Trung ương, TP tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp, sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ kinh doanh thương mại... đang là những cơ hội, thuận lợi lớn mà Hội CCV, các tổ chức công chứng cần chủ động nắm bắt, tận dụng. “Hội CCV Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của công chứng cả nước trong việc phát triển hoạt động nghề nghiệp của mình”, ông Tuấn nói.

Trong thời gian tới, GĐ Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Ban chấp hành Hội CCV cần thực hiện tốt vai trò đại diện của Hội CCV TP để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên, bám sát với tôn chỉ, mục đích của Hội và chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là pháp luật trong lĩnh vực công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, Điều lệ hội.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, tích hơn nữa với Sở Tư pháp trong các công tác sau: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các CCV; Tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức hành nghề công chứng, CCV vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; Hoàn thiện quy định pháp luật, quy chế quản lý trong lĩnh vực công chứng; Xây dựng và quản lý, sử dụng hệ thống thông tin công chứng...

Trong thời gian tới, theo ông Ngô Anh Tuấn, giữa Hội CCV và Sở Tư pháp cần sớm hoàn thiện quy chế phối hợp làm căn cứ để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên.

Bên cạnh đó, GĐ Sở Tư pháp cũng đề nghị Hội CCV TP chủ động kiến nghị về các vấn đề liên quan tới sự phát triển của Hội và lĩnh vực hoạt động công chứng; tham gia tích cực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động công chứng; tích cực góp ý xây dựng các VBQPPL thuộc thẩm quyền của TP.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hoi-cong-chung-vien-ha-noi-phat-huy-vai-tro-dau-tau-cua-cong-chung-ca-nuoc-122774.html