Hỏi - Đáp pháp luật: Người tố cáo được cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ như thế nào?

* Bạn đọc Dương Văn Giang ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người tố cáo được cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 49 Luật Tố cáo. Cụ thể như sau:

1. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.

2. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

3. Cơ quan công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.

5. UBND các cấp, công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

* Bạn đọc Phạm Thị Khánh ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, hỏi: Việc giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 31 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Người có hành vi bạo lực gia đình được giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; tham gia dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình do cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình cung cấp.

2. Nội dung giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình;

b) Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình;

c) Kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình;

d) Kiến thức và kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; giải tỏa áp lực, căng thẳng;

đ) Các nội dung khác.

3. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định và tổ chức thực hiện việc giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình đối với người có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-nguoi-to-cao-duoc-co-quan-co-tham-quyen-ap-dung-bien-phap-bao-ve-nhu-the-nao-776776