Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo: Phim như một di sản văn hóa

Hội đồng Anh tại Việt Nam đang tìm kiếm 20 cá nhân thực hành nghệ thuật (nhà làm phim, nhà lưu trữ, giám tuyển, nhà soạn nhạc, người viết, nhà nghiên cứu, nhà quản lý,...) tham gia vào một chuỗi workshop xoay quanh các thực hành về tư liệu video lưu trữ.

Chuỗi workshop diễn ra tại Hà Nội (16-18 tháng Một năm 2019) và là một phần của hoạt động Phim Như Một Di sản Văn Hóa trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Chương trình danh cho các cá nhân thực hành tại Việt Nam muốn hiểu sâu thêm về lưu trữ phim và các tư liệu lưu trữ, cũng như tìm kiếm các khả năng làm việc và tương tác với các chất liệu này.

Trong ba ngày, các chủ đề được trao đổi bao gồm thực hành làm phim tái chế (found-footage) cũng như yếu tố cộng đồng trong thực hành này, các kênh và mô hình cho việc khai thác và tương tác với tư liệu lưu trữ, các quá trình xây dựng và điều hành lưu trữ phim, các kênh phân phối, quy trình phục chế phim, v..v..

Những nội dung trên sẽ do các giám tuyển, lưu trữ viên và các nhà làm phim Việt Nam và Vương quốc Anh hướng dẫn – họ cũng là những người đã tham gia đồng thiết kế cho chương trình workshop này. Người tham dự cũng sẽ có cơ hội thảo luận sâu cùng cả nhóm về các ý tưởng của họ, cũng như cơ hội để thực hành các kỹ thuật khác nhau.

Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử điện ảnh địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam

Qua việc đưa các cá nhân có cùng tinh thần nhưng thuộc nhiều ngành khác nhau vào một môi trường dành cho ý tưởng và thử nghiệm, dự án mong muốn xúc tác cho các hướng tiếp cận mới về di sản phim của Việt Nam. Các dự án có thể khởi phát từ quá trình sáng tạo trong chuỗi workshop cũng sẽ có cơ hội nhận được các hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh tại Việt Nam (https://www.britshcouncil.vn/en/programmes/arts/famlab-fund).

Dù thường không được chính thức nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử - của cộng đồng cũng như của cá nhân.

Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều các hoạt động và đầu tư cho các công việc này: cũng như các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, một mối quan tâm mới cho lịch sử điện ảnh địa phương đã xuất hiện ở Việt Nam. Với nhiều người, phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai.

Đóng góp vào mục tiêu chung của dự án Di sản Kết nối, chuỗi hoạt động ‘Điên ảnh như một Di sản Văn hóa’ bao gồm một hội thảo, các workshop chuyên môn và các sự kiện dành cho công chúng.

Di sản Kết nối là dự án trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, kéo dài trong hai năm. Dự án này sẽ làm việc với di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.

Dự án bao gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Hoạt động văn hóa cộng đồng, và Lab Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab). Khởi động vào tháng 4 năm 2018, dự án nhằm kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.

Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoi-dong-anh-viet-nam-to-chuc-chuoi-hoi-thao-phim-nhu-mo-t-di-sa-n-van-ho-a-130066.html