Hội đồng Bảo an quý III: Bản lĩnh và bản sắc Việt Nam

Dưới sự chủ trì lần lượt của Đức, Indonesia và Niger trong quý III (Chủ tịch Hội đồng Bảo an các tháng 7, 8 và 9), Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã tiến hành nhiều cuộc họp trên các vấn đề khu vực và chủ đề quan trọng. Trong đó, Việt Nam đã bảo đảm xử lý công việc một cách bản lĩnh, có trách nhiệm, cân bằng và có bản sắc, hài hòa với quan điểm, lợi ích chính đáng của các nước liên quan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Đại dịch và các thách thức đối với hòa bình bền vững”. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Đại dịch và các thách thức đối với hòa bình bền vững”. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Syria, Iran là tâm điểm

Các vấn đề khu vực, đáng chú ý tại HĐBA trong quý III phải nhắc đến vấn đề Iran, Syria, xung đột Nagorno-Karabakh hay dịch Covid-19. Các vấn đề được thảo luận tích cực với nhiều kết quả nổi bật.

Vấn đề Iran được xem là tâm điểm mâu thuẫn tại HĐBA khi Mỹ thất bại trong việc thúc đẩy dự thảo NQ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran theo NQ 2231 của HĐBA. Syria tiếp tục là vấn đề quan tâm thường trực, cả về thời lượng (chiếm đến gần 1/5 số cuộc họp trong quý III) và tính chất phức tạp (trên cả ba nội dung là chính trị, nhân đạo và vấn đề vũ khí hóa học).

Nổi bật, xung đột Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan được thảo luận lần đầu tiên tại HĐBA sau 27 năm (dù chỉ dưới đề mục “các vấn đề khác”). Sau cuộc họp, HĐBA đã thống nhất ra Thông tin báo chí để bày tỏ quan ngại về giao tranh quân sự giữa hai nước, ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký LHQ, ủng hộ vai trò của Nhóm Minsk-OSCE và kêu gọi các bên hợp tác, đối thoại.

Song song với đó, các khía cạnh liên quan đến đại dịch Covid-19 được trao đổi rộng khắp trong các cuộc họp của HĐBA. Từ chỗ còn ý kiến khác nhau về tác động của đại dịch đối với hòa bình, an ninh quốc tế, tới nay các nước HĐBA đều đánh giá đại dịch có nhiều tác động, hệ lụy lớn đối với an ninh, ổn định khu vực và quốc tế cả trung hạn lẫn dài hạn, làm phức tạp thêm các cuộc xung đột đang diễn ra cũng như các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.

Các nước cũng nêu nhiều lo ngại về tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nguồn lực, quan tâm chính trị cho việc giải quyết các xung đột, hoạt động của các phái bộ, làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế của nhiều cơ chế quốc tế, trong đó có HĐBA.

Nhiều bước tiến mới

Trong quý III, HĐBA cũng đã thảo luận nhiều chủ đề khác như biến đổi khí hậu, phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình…

Cụ thể, tại Phiên thảo luận mở cấp cao ngày 17/9 về “Các tác động nhân đạo của suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế”, quan điểm của các nước thể hiện sự phân tuyến khá rõ nét giữa một bên cho rằng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường có thể có những hệ lụy tiêu cực đối với hòa bình, an ninh quốc tế và HĐBA cần phát huy vai trò phù hợp để giải quyết; trong khi một bên bảo lưu quan điểm cho rằng đây là những phạm trù phát triển, không thể gắn với khía cạnh an ninh.

HĐBA cũng lần đầu tiên tổ chức thảo luận mở về hợp tác giữa LHQ và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), qua đó đề cao vai trò của OIF trong thúc đẩy phòng ngừa xung đột, xây dựng hòa bình, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong duy trì hòa bình an ninh và đào tạo tiếng Pháp tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình.

Ngoài ra, trong quý III, các NQ về thanh niên, phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, Tuyên bố Chủ tịch về nạn tấn công nhằm vào các trường học… đều là những bước tiến mới, tạo thêm những nội hàm, thể hiện vai trò của HĐBA về các vấn đề được dư luận quan tâm.

Các vấn đề như phụ nữ, trẻ em, bảo vệ thường dân, nhất là tại các Nhóm làm việc, ngày càng đi sâu thảo luận tình hình các nước cụ thể, lồng ghép nhiều nội dung về dân chủ, nhân quyền, truy cứu trách nhiệm…

HĐBA thảo luận nhiều chủ đề quan trọng, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.

Trách nhiệm và cam kết

Quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cấp cao cùng sự phối hợp, đóng góp tích cực của Tổ công tác liên ngành về HĐBA gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã giúp Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực vào hoạt động của HĐBA.

Nhờ đó, Việt Nam đã bảo đảm xử lý công việc một cách bản lĩnh, có trách nhiệm, cân bằng và có bản sắc, hài hòa với quan điểm, lợi ích chính đáng của các nước liên quan.

Việt Nam khẳng định lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế, nỗ lực đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu.

Những chủ trương, quan điểm lớn nêu trên đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định mạnh mẽ qua thông điệp tham dự các sự kiện cấp cao trong khuôn khổ Khóa 75 Đại hội đồng LHQ.

Cụ thể tại HĐBA, việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham gia và phát biểu tại ba Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của HĐBA về các vấn đề “Biến đổi khí hậu và an ninh”, “Đại dịch và các thách thức đối với giữ vững hòa bình” và “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Quản trị toàn cầu hậu Covid-19” và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham gia các Phiên họp trực tuyến Cấp cao về “Đại dịch và an ninh” và “Mối quan hệ giữa khủng bố và tội phạm có tổ chức” đã thể hiện tiếng nói, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được quốc tế quan tâm hàng đầu hiện nay, đồng thời cũng thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với Đức, Indonesia và Niger (Chủ tịch HĐBA các tháng 7, 7 và 9), được các bạn trân trọng, cảm kích.

Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và thương lượng xây dựng các văn kiện của HĐBA, thể hiện quan điểm, tiếng nói có trách nhiệm đối với các vấn đề thuộc quan tâm chung hiện nay và Việt Nam có lợi ích trực tiếp như tham gia Nhóm Đồng quan điểm (LMG) về biến đổi khí hậu do Đức khởi xướng; tham gia đồng tác giả NQ về Thanh niên, hòa bình và an ninh, NQ về Phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; đồng tổ chức cuộc họp Arria về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trước nguy cơ tấn công mạng.

Việt Nam cũng đóng góp nhiều nội dung tích cực trong NQ 2532 của HĐBA về Covid-19; thúc đẩy bảo đảm nguồn lực cho hoạt động gìn giữ hòa bình, vai trò của tổ chức khu vực; hạn chế các nội hàm phức tạp về nhân quyền, an ninh hóa vấn đề phát triển trong thảo luận về các vấn đề Công lý trong giai đoạn chuyển tiếp, biến đổi khí hậu và an ninh...

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò “kép” là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên Không thường trực HĐBA thông qua việc chủ động phối hợp lập trường với Indonesia trên nhiều vấn đề, thể hiện quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Việt Nam và Indonesia cũng như tinh thần đoàn kết ASEAN.

Trong thời gian qua, các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam và các cơ quan báo chí đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tham gia của ta tại HĐBA, đồng thời có chỉ đạo, định hướng phù hợp để đưa tin khách quan, cân bằng về các vấn đề được thảo luận tại HĐBA.

Trong quý III, HĐBA có tổng cộng 87 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên, 20 cuộc họp thông qua Nghị quyết, 30 cuộc họp nghe báo cáo, 30 cuộc tham vấn về các vấn đề khu vực. Ngoài ra, HĐBA tổ chức sáu cuộc họp theo thể thức Arria (hình thức họp không chính thức của HĐBA) và một cuộc đối thoại tương tác không chính thức (IID). Trong quý III, HĐBA đã thông qua tổng cộng 14 Nghị quyết; hai Tuyên bố Chủ tịch; chín Tuyên bố báo chí và bốn lượt ra Thông tin báo chí.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-dong-bao-an-quy-iii-ban-linh-va-ban-sac-viet-nam-126905.html