Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết về Libya, thảo luận về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Ngày 16/4, trên tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến công bố thông qua các Nghị quyết 2570 và 2571 liên quan đến tình hình Libya với 15/15 phiếu thuận.

Đại sứ Phạm Hải Anh chủ trì phiên công bố thông qua các Nghị quyết 2570 và 2571 liên quan đến tình hình Libya.

Đại sứ Phạm Hải Anh chủ trì phiên công bố thông qua các Nghị quyết 2570 và 2571 liên quan đến tình hình Libya.

Nghị quyết 2570 cho phép Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) hỗ trợ Cơ chế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn ngày 23/10/2020 tại Libya trên cơ sở đề nghị của các bên ở Libya và quyết định thiết lập nhóm giám sát ngừng bắn của UNSMIL với tối đa 60 giám sát viên dân sự trên cơ sở khuyến nghị của Tổng Thư ký LHQ.

Nghị quyết cũng hoan nghênh các tiến triển tích cực ở Libya thời gian qua, đặc biệt là việc Chính phủ Đoàn kết Dân tộc được thành lập và các bên đã đạt thỏa thuận về lộ trình tổ chức bầu cử vào ngày 24/12/2021.

Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc và các bên liên quan tiến hành các bước cần thiết để tổ chức bầu cử theo đúng lộ trình đề ra.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp giải trừ quân bị, phi quân sự hóa và tái hòa nhập các nhóm vũ trang (DDR) và cải tổ hệ thống an ninh (SSR) ở Libya.

Trong khi đó, Nghị quyết 2571 quyết định gia hạn nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia (PoE) về Libya của HĐBA đến ngày 15/8/2022.

Nghị quyết cũng gia hạn các biện pháp nhằm chống việc xuất khẩu trái phép dầu thô từ lãnh thổ Libya đến ngày 15/8/2022.

Nghị quyết kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận Ngừng bắn dài hạn ngày 23/10/2020 và kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ tôn trọng và ủng hộ việc triển khai đầy đủ Thỏa thuận, trong đó có việc rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya.

Sáng cùng ngày 16/4, Nga và Trung Quốc đã tổ chức họp các nước thành viên HĐBA theo thể thức Arria về tính toàn vẹn của các cơ chế không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh cần đẩy mạnh các nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế về chống phổ biến và giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đại sứ Phạm Hải Anh nêu rõ, các cơ quan điều ước, các tổ chức quốc tế cần hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm tính khách quan, không thiên vị, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các nghĩa vụ.

Đại sứ cho rằng, để hoạt động tốt hơn nữa, nhân sự của các tổ chức quốc tế cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chuyên môn, đạo đức và có kiến thức về cả các đặc thù khu vực, theo đó cần tăng cường tạo điều kiện để có nhiều đại diện hơn nữa của các nước đang phát triển làm việc việc tại các cơ quan, tổ chức đó.

Họp theo thế thức Arria là một hình thức họp không chính thức của HĐBA, bắt đầu được áp dụng từ tháng 3/1992 theo sáng kiến của nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Venezuela, ông Diego Arria. Hình thức họp này được tổ chức nhằm có sự trao đổi rộng rãi với các nước thành viên LHQ, các tổ chức/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Do không thể họp tại trụ sở LHQ để biểu quyết trực tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở thành phố New York (Mỹ), các nước HĐBA nhất trí tiến hành bỏ phiếu Nghị quyết bằng hình thức gửi văn bản thông báo lập trường bỏ phiếu.

(theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại New York)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-dong-bao-an-thong-qua-nghi-quyet-ve-libya-thao-luan-ve-chong-pho-bien-vu-khi-huy-diet-hang-loat-142551.html