Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: Chọn nội dung thiết thực, sát thực tiễn để giải trình, chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, diễn ra hôm qua (7/2).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Kỳ họp bất thường đã giải quyết được nhiều công việc quan trọng

Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả tháng 1/2022, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2/2023. Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác chủ yếu tháng 1/2023, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2023 của Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, các cơ quan của QH, Văn phòng QH, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đại biểu đã cho ý kiến về nội dung này.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động của QH, các cơ quan của QH, cơ quan của UBTVQH trong tháng 1/2023; ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, giao Tổng Thư ký QH tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, trình ban hành Kết luận về nội dung cuộc họp để thực hiện thống nhất trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH, cơ quan thuộc UBTVQH.

Về công tác tháng 1/2023, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định, QH đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ 3, QH khóa XV; giải quyết được nhiều công việc quan trọng. Trong đó, QH đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự luật khó, có thời điểm cũng thấy chưa thể thông qua được, nhưng với sự nỗ lực của các cơ quan thì dự luật đã được thông qua và sau khi được công bố thì dư luận đồng tình, ủng hộ, cho thấy quyết định sáng suốt của QH.

QH đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho ý kiến về các nhóm vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách; QH cũng tiến hành công tác nhân sự dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình..., được đại biểu, cử tri, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Những vấn đề “nóng”, bức xúc mới phát sinh thì phải có các giải pháp mới

Nêu định hướng các nhiệm vụ của quý I và cả năm 2023, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh xem xét các dự án luật do Chính phủ trình liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch QH lưu ý bám sát tinh thần Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH trong việc lấy ý kiến nhân dân, trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 3/2023, trường hợp không kịp tiến độ sẽ tổ chức phiên họp riêng về vấn đề này, không để kéo dài đến tháng 4/2023. Ủy ban Kinh tế của QH gửi văn bản đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đôn đốc tiến độ triển khai theo tinh thần Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền về nội dung này.

Về công tác giám sát, chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH năm 2023 đã được ban hành. Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát bổ sung, chỉnh lý hoặc sửa đổi, trong đó nghiên cứu đánh giá công tác giữa nhiệm kỳ công tác của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của QH; đánh giá lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn; triển khai 4 chương trình giám sát chuyên đề năm 2023 của QH, UBTVQH; thường xuyên tăng cường giám sát tình hình kinh tế vĩ mô và các loại thị trường...

“Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần nghiên cứu lựa chọn các chuyên đề phải tập trung giải trình, chất vấn. Những vấn đề nổi lên hiện nay như đăng kiểm, thị trường bất động sản, du lịch, hàng không... đều đang rất khó khăn, nếu chờ QH chất vấn, giám sát thì sẽ chậm. Vì vậy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH có thể vào cuộc ngay, lựa chọn nội dung nào thực sự thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống để tiến hành giải trình. Nội dung nào đã có kế hoạch giải trình nhưng chưa cấp bách thì để lại sau. Tình hình có những vấn đề “nóng”, bức xúc mới phát sinh thì phải có các giải pháp mới. Chúng ta đồng hành với Chính phủ hay không là ở góc độ như vậy”, Chủ tịch QH nói.

Chuẩn bị chuyên đề giám sát trong năm 2024, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan nghiên cứu kỹ theo hướng lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện các nghị quyết về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm quốc gia, các nghị quyết Trung ương, nghị quyết của QH; rà soát việc thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật; rà soát vấn đề đầu tư công… trình QH xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5.

Về công tác chất vấn của QH tại Kỳ họp thứ 5 và chất vấn của UBTVQH tại phiên họp tháng 3, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, cần khởi động ngay từ bây giờ. Việc thông tin sớm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 đã được Chính phủ, đại biểu QH, người dân hoan nghênh, để cùng nhau làm sáng tỏ, giải quyết những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra; cách làm này cần tiếp tục duy trì thực hiện trong thời gian tới.

T.Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoi-dong-dan-toc-cac-uy-ban-cua-quoc-hoi-chon-noi-dung-thiet-thuc-sat-thuc-tien-de-giai-trinh-chat-van-post466191.html