HỘI ĐỒNG DÂN TỘC: ĐOÀN KẾT VÀ CHỦ ĐỘNG - QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

Năm 2019 là năm Quốc hội ban hành nhiều Nghị quyết nhằm phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó Hội đồng Dân tộc đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu và giám sát việc triển khai các chính sách dân tộc. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên THQHVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, về mục tiêu, định hướng của Hội đồng Dân tộc năm 2020.

Ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Phóng viên: Xin cảm ơn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa ông, Năm 2019 là một năm đánh dấu rất nhiều thành công trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong cả lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần quan trọng trong thực hiện chức năng của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp 2013 là Quốc hội quyết định chính sách dân tộc. Ông có thể phân tích những thành tựu quan trọng mà Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đạt được trong năm qua?

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Trong năm 2019 hoạt động nổi bật nhất về công tác của Hội đồng dân tộc của Quốc hội là thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình và thẩm tra trên lĩnh vực công tác dân tộc và chính sách đối dân tộc với miền núi và vùng dân tộc thiểu số, Hội đồng Dân tộc đã đánh giá khá toàn diện những kết quả đạt được và những tồn tại bất cập hạn chế trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách trên lĩnh vực này và từ đó đã có đề xuất kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội cần ban hành Đề án tổng thể và trong đó dự kiến Quốc hội sẽ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở tích hợp các chính sách, thu gọn đầu mối, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Đề án tổng thể này đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Quyết định này có ý nghĩa lịch sử vì đây là lần đầu tiên Quốc hội có ban hành nghị quyết về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc và vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng thẩm quyền của Quốc hội được quy định tại Hiến pháp năm 2013 là Quốc hội quyết định chính sách dân tộc.

Năm 2019 có thể nói là năm mà Hội đồng Dân tộc đã làm được nhiều việc. Những thành công đó có được trước hết là nhờ tinh thần trách nhiệm của cán bộ, các đại biểu trong Hội đồng Dân tộc, Thường trực của Hội đồng Dân tộc và Vụ Dân tộc trực tiếp tham mưu giúp việc.

Hội đồng Dân tộc cũng đã rất chủ động và phối hợp tốt với Ủy ban Dân tộc, chúng tôi đã có quy chế phối hợp. Đồng thời, chúng tôi cũng đã phối hợp tốt với các cơ quan khác của Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội. Đây là yếu tố quyết định tạo nên những dấu ấn, thành công và kết quả hoạt động trong những năm vừa qua của nhiệm kỳ và đặc biệt là năm 2019 về công tác dân tộc của Đảng, cũng như chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Mỗi thành viên Hội đồng Dân tộc khi đều xác định mình là đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam, cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Điều đó cũng đã thể hiện một hình ảnh đoàn kết, đại đoàn kết của 54 dân tộc. Các thành viên đã rất nỗ lực, có ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh tập thể, đồng thời cũng xây dựng tối mối đoàn kết với các cơ quan, các ban ngành, các địa phương.

Phóng viên: Có thể nói 2019 là một năm mà hoạt động của Hội đồng Dân tộc có rất nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2020 đánh dấu một khởi đầu mới trong công tác dân tộc để nhằm giải quyết những tồn tại được chỉ ra sau cuộc giám sát “Về việc thực hiện Chính sách giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2018" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc chủ trì trong thời gian vừa qua. Hội đồng Dân tộc sẽ thực hiện vai trò của mình như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Theo chúng tôi thì phải tiếp tục giám sát việc thực hiện kiến nghị và kết luận qua cuộc giám sát. Không chỉ là cuộc giám sát về "Việc thực hiện Chính sách giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2018" mà tới đây chúng tôi sẽ tổng hợp lại những kiến nghị và kết luận này, đồng thời rà soát tất cả các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc qua các cuộc giám sát, khảo sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xem là những nội dung nào đã có giải quyết, đã thực hiện, đã khắc phục, hoặc những nội dung nào chưa có thực hiện ý kiến, kiến nghị của các cuộc giám sát, khảo sát để chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến, kiến nghị và nếu cần thiết thì tiếp tục giám sát để đi theo đuổi đến cùng nhằm giải quyết những bức xúc trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Phóng viên: Việc ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 là một trong những sự kiện nổi bật nhất của hoạt động Quốc hội trong năm qua, đồng thời cũng thể hiện rõ nét vai trò của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Và để Nghị quyết đi vào cuộc sống, năm tới, Hội đồng Dân tộc sẽ thể hiện vai trò như thế nào trong việc triển khai nghị quyết nói riêng và trong việc thúc đẩy thực hiện các chính sách dân tộc khác nói chung, thưa ông?

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Năm 2020 là năm bản lề trong Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, chúng tôi đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020. Ngoài việc thực hiện theo các chức năng của Hội đồng Dân tộc là tham gia vào quá trình lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng thì sẽ tập trung góp phần vào việc triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2026, đấy chính là cụ thể hóa của Đề án Tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Trên cơ sở mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp, quan điểm của Đề án tổng thể đó phải cụ thể hóa xây dựng thành Chương trình mục tiêu quốc gia thì Hội đồng Dân tộc sẽ tích cực phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc sẽ trực tiếp chủ trì thẩm tra chương trình mục tiêu quốc gia này và báo cáo trước Quốc hội để thông qua và tổ chức thực hiện, làm sao nó có hiệu quả, khả thi và đảm bảo chất lượng. Đấy là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 của chúng tôi.

Phóng viên: Năm 2019 thực sự là một năm với rất nhiều nỗ lực, nhiều thành tựu trong công tác dân tộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung, của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và của cá nhân Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói riêng. Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm trong năm mới để cụ thể hóa những chính sách được ban hành trong năm qua. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông muốn chia sẻ đôi điều với cử tri đồng bào các dân tộc thiểu số?

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Tôi thấy bản thân mình cũng có nhiều cố gắng trong phát huy vai trò trách nhiệm của cá nhân và đồng thời cũng phát huy được trí tuệ và trách nhiệm của tập thể Hội đồng Dân tộc, còn những việc mình đã làm được trong những năm qua cũng chỉ là những bước đầu, quan trọng hơn là việc triển khai và tổ chức thực hiện công tác dân tộc trong một giai đoạn mới. Cho nên, điều trăn trở nhất là làm sao tới đây khi mà ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được là các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào các dân tộc, của hệ thống chính trị cùng ủng hộ việc triển khai, tổ chức thực hiện và đồng thời Nhà nước thực sự quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình này, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc cũng như là tạo điều kiện để phát huy tiềm năng lợi thế, ý thức vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc hội nhập với đất nước và với thế giới.

Tôi thấy rằng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc và chính sách đối với miền núi và vùng dân tộc thiểu số là những chính sách rất ưu tiên, tuy nhiên việc triển khai hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào việc tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương, phụ thuộc sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là người dân, vừa là đối tượng thụ hưởng đồng thời cũng là những người trực tiếp tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện. Vì vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới, các địa phương cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số và sẽ nỗ lực cố gắng trong hấp thụ những chính sách của Nhà nước, đồng thời cùng tổ chức thực hiện, góp phần giám sát việc tổ chức thực hiện những chính sách sau khi có hiệu lực.

Nhân dịp năm mới 2020, thay mặt Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tôi xin gửi lời chúc Sức khỏe - Hạnh phúc - An khang đến toàn thể đồng bào các dân tộc và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! nhân dịp năm mới, xin được kính chúc ông và gia đình một năm mạnh khỏe, hạnh phúc; xin được chúc Hội đồng Dân tộc gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Phan Xanh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43930