Hội đồng trường, hiệu trưởng: Cần rõ 'vai' để tránh chồng chéo, lạm quyền

Theo PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, các thành viên của Hội đồng trường (HĐT) cần nhận định rất rõ về vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền để tránh chồng chéo giữa chức năng điều hành của ban giám hiệu với chức năng quản trị đường hướng chiến lược, chính sách của HĐT. Về phía các hiệu trưởng, việc không nhận thức rõ được thẩm quyền của mình đến đâu có thể dẫn đến lạm quyền.

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Là hiệu trưởng của một trong những trường ĐH công lập hàng đầu Việt Nam, ông nhận thấy Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 mang lại những thách thức – thuận lợi nào với lộ trình tự chủ của trường?

- Năm 2014, Chính phủ đã có nghị quyết 77. Trên cơ sở Nghị quyết này, có 23 trường đã thí điểm thực hiện quyền tự chủ, đổi mới cơ chế tổ chức hoạt động. Khi luật này có hiệu lực, hầu hết những điều, những nội dung thí điểm trong Nghị quyết 77 nay được luật hóa. Như vậy, khi luật ra đời, các trường đã được thí điểm trước, đã có thời gian, có kinh nghiệm. Đây chính là thuận lợi đầu tiên.

Theo luật mới, hầu hết các nội dung về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có mức tự chủ rất cao, Nhà nước chỉ còn kiểm soát khá chặt việc mở ngành, liên kết đào tạo nhưng với những trường đã được kiểm định về cơ sở đào tạo, kiểm định chương trình tốt, các điều kiện sẽ mở dần ra, rất thuận lợi.

Về mặt tổ chức và nhân sự, nếu như trước kia, cơ cấu tổ chức hoạt động, việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường được quy định rất rõ trong điều lệ trường ĐH thì bây giờ việc này đưa về các trường, các trường sẽ quy định rõ hơn ở trong quy chế tổ chức hoạt động của mình, như vậy sẽ phù hợp với đặc điểm của từng trường, đồng thời các trường cũng sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, quy trình lựa chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm sao cho phù hợp nhất với trường mình.

Theo luật, HĐT sẽ quyết định nhân sự hiệu trưởng rồi trình cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận. Đây là thay đổi rất lớn.

Về cơ cấu tổ chức bên trong, các trường xây dựng mô hình về sau phát triển mô hình ĐH có các trường bên trong hay việc ở trong trường thì tổ chức các đơn vị như thế nào, các vị trí quản lý ra sao… thì luật cũng đã cho phép. Đây là điều rất thuận lợi bởi vì muốn đổi mới gì thì cơ cấu tổ chức hoạt động cũng như đội ngũ lãnh đạo quản lý là hết sức quan trọng.

Thứ ba là về mặt tài chính - tài sản, luật cũng nêu rõ các quyền mở rộng mà trường được thực hiện, như học phí, quyết định các dự án đầu tư sử dụng kinh phí từ hoạt động của trường... Tất nhiên, phần này vẫn phải theo các luật khác chứ không phải Luật GDĐH bao quát hết được.

Tóm lại là khi luật có hiệu lực các trường có một khung pháp lý rất rõ để có thể phát huy được quyền chủ động của mình, phát huy được hết nội lực cũng như có điều kiện để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Chúng tôi nghĩ rằng chưa nói đến luật khác thì những gì có thể mở rộng được trong phạm vi khuôn khổ của 1 luật chuyên ngành thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cũng đã mở ra quyền tự chủ rất cao và cũng khá chặt chẽ để đảm bảo các trường thực hiện quyền tự chủ cho mình, đồng thời vẫn đảm bảo được tính trách nhiệm xã hội và giải trình với xã hội chứ không phải là mở ra một cách tự do.

Còn về khó khăn, thách thức, theo tôi có mấy điểm. Thứ nhất, về thực hiện luật, ngoài 23 trường đã có kinh nghiệm trong triển khai - mà ngay cả 23 trường không phải tất cả các trường đều thực hiện tốt như nhau – thì trong 170 trường ĐH công lập chắc chắn rất nhiều trường khi triển khai thực hiện luật này với những nội dung quyền tự chủ cao hơn sẽ bỡ ngỡ, cần lộ trình để tìm hiểu kỹ để triển khai.

Khi luật có hiệu lực cũng sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng như một thách thức, trong đó thách thức đầu tiên là về năng lực quản trị của hệ thống các cơ sở GDĐH.

Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tăng cường quyền tự chủ của các trường nhưng bản thân chỉ luật này không thì chưa đủ mà còn hàng loạt các luật khác nữa kèm theo như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách sách, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hay Luật Công nghệ vì bản thân các trường ĐH lĩnh vực hoạt động không chỉ giáo dục, đào tạo mà còn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tài chính, đầu tư rồi vấn đề tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ…

Do đó, nếu chỉ luật này không thì khi làm việc các trường chắc chắn sẽ cảm thấy vướng các luật khác bởi mức tự chủ theo các luật khác thì chưa phải là cao và nhiều vấn đề còn chưa rõ ràng. Điểm thứ ba, rất quan trọng là luật được sửa đổi nhưng cơ chế tài chính, phân bổ tài chính nhà nước mà trong luật ghi là theo năng lực, theo cơ chế đấu thầu giao nhiệm vụ nhưng hiện nay chưa được cụ thể hóa.

Theo luật mới, HĐT của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu là Nhà nước (đối với trường công) hoặc nhà đầu tư (đối với trường tư) và các bên có lợi ích liên quan. Trong khi đó, Hiệu trưởng cơ sở GDĐH công lập do HĐT quyết định và thực thi các nhiệm vụ do HĐT giao. Ông có nhận định như thế nào về việc này, cũng như tác động của nó tới việc thúc đẩy lộ trình tự chủ của ĐH?

Ở đây có mấy điểm tốt nhưng cũng có mấy rủi ro chúng ta cần phải lưu ý. Điểm tốt thứ nhất là HĐT nếu chọn được người làm tốt thì sẽ phát huy được trí tuệ tập thể để đưa ra những quyết sách về mặt chiến lược, về mặt chính sách lớn, những chủ trương lớn một cách sáng suốt và đúng đắn.

Bên cạnh đó, quyền lực bao giờ cũng phải được kiểm soát và đối với các trường tự chủ thì việc kiểm soát, giám sát lẫn nhau phải đảm bảo những trường đó không những thực hiện tự chủ mà còn phải đi đúng theo sứ mạng của trường đã vạch ra, đảm bảo được tính giải trình với xã hội, các bên liên quan, với cả cán bộ, viên chức, với sinh viên, với Nhà nước…

Thiết chế đó rất quan trọng và thực tế là hiệu trưởng khi có HĐT đứng đằng sau cũng sẽ rất yên tâm làm việc bởi những đề xuất của mình được bàn bạc, được phản biện cẩn thận, giảm thiểu rủi ro và chia sẻ trách nhiệm.

Một điểm tốt nữa là đối với quy trình làm nhân sự, các trường được chủ động hơn trong việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, quy trình để giới thiệu nhân sự hiệu trưởng thì sẽ được bàn bạc cụ thể, được đưa vào quy chế hoạt động của trường và HĐT phê duyệt. Như vậy, việc này sẽ phù hợp hơn với đặc điểm của từng trường.

Còn rủi ro có thể có nằm ở năng lực và phần nữa là ở nhận thức đúng đắn của những thành viên HĐT. Họ cần nhận định rất rõ về vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền đến đâu của những thành viên HĐT và HĐT để tránh việc chồng chéo giữa chức năng điều hành của ban giám hiệu với chức năng quản trị đường hướng chiến lược, chính sách của HĐT.

Đứng từ phía các hiệu trưởng cũng vậy, nếu các hiệu trưởng không nhận thức rõ được thẩm quyền của mình đến đâu có thể dẫn đến lạm quyền. Điều này từ cả hai phía, phía nào mà không rõ được thẩm quyền của mình ở đâu sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn. Đó cũng là một rủi ro, nguy cơ lớn nếu các thành viên HĐT, cũng như các thành viên trong ban giám hiệu không nhận thức rõ được điều này.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Với những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ như ĐH Bách khoa Hà Nội vai của Hiệu trưởng không có gì thay đổi bởi trường đã có HĐT từ nhiều năm nay, việc phân vai cũng rất rõ ràng. HĐT là thiết chế có quyền lực cao nhất trong trường nhưng HĐT là tập thể lãnh đạo chứ không phải một con người.

Cái tập thể lãnh đạo đó hội tụ được những chuyên gia với những hiểu biết từ nhiều lĩnh vực khác nhau cần thiết cho hoạt động của một trường ĐH, không phải chỉ chuyên môn mà còn về tài chính, về quản trị, về kinh doanh rồi đại diện từ những các bên có lợi ích liên quan. Những điều đó phù hợp với mô hình của ĐH mới” - PGS.TS.Hoàng Minh Sơn.

Minh Ngọc (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/hoi-dong-truong-hieu-truong-can-ro-vai-de-tranh-chong-cheo-lam-quyen-463919.html