Hối hả mùa cỏ bàng vùng bưng biền ngập mặn

Dù đang bị thu hẹp nhưng nơi đây vẫn còn rất nhiều cánh đồng cỏ bàng, mang tới nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Có vị trí địa lý nằm ngay gần TP HCM và đã xuất hiện nhiều khu đô thị, khu dân cư cũng như những nhà máy xí nghiệp sản xuất lớn nhưng vùng Đức Hòa (tỉnh Long An) vẫn còn khá nhiều bưng biền trũng thấp phèn mặn mùa khô. Đây chính là nơi những người trồng cỏ bàng gắn bó và duy trì nghề này hàng chục năm qua.

Hiện nay, cỏ bàng được sử dụng rất nhiều trong việc đan thủ công mỹ nghệ, làm chiếu hay thậm chí được dùng làm ống hút đồ uống... Và điều đó giúp cho các nông dân trồng cỏ bàng dễ sống hơn, thu hàng chục triệu đồng trên vùng đất nhiễm phèn mặn, tưởng như "bỏ đi" của mình.

Những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi bắt gặp hàng chục nông dân ở xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) đang hối hả thu hoạch cỏ bàng. Mặc dù vất vả nhưng cỏ bàng dường như là lựa chọn duy nhất cho nông dân nơi đây bởi vùng bưng biền rộng mênh mông ngập nước này rất khó trồng được loại cây gì khác do nhiễm phèn mặn mùa khô này. Nhưng không chỉ có ở khu vực Mỹ Hạnh Nam, cỏ bàng được nông dân ở Long An trồng khá nhiều nơi, chủ yếu là khu vực đấp phèn mặn từ vùng Đức Hòa cho tới Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và Mộc Hóa... đem tới thu nhập đáng kể mùa khô này.

Những phụ nữ thu hoạch bỏ bàng ở Đức Hòa (ảnh Đoàn Xá).

Cỏ bàng ở đây thường được nông dân trồng. Sau khi cắt, nông dân để đồng cỏ tiếp tục phát triển tự nhiên và thường 6-7 năm mới trồng lại.

Cỏ bàng sau một năm có chiều dài khoảng 1,2 tới 1,6 mét.

sau khi thu hoạch, người dân bó cỏ thành từng bó. Hiện mỗi bó có giá bán khoảng 15.000 tới 20.000 đồng tùy theo chiều dài, chất lượng cỏ.

Cỏ bàng thường được thương lái mua đem về phơi khô rồi dệt chiếu, đan đồ thủ công mỹ nghệ. Cỏ bền chắc và khá đẹp sau khi thành phẩm.

Cỏ bàng được coi là "đặc sản" của những vùng bưng biển bỏ hoang, đất ngập nước nhiễm phèn mặn. Do không phải chăm sóc nhiều, nông dân trồng bỏ bàng có thu nhập kha khá từ loại cây này.

Do thân cỏ bàng rỗng nên ngày nay, ngoài nguyên liệu đan thì phần gốc cỏ cũng được sử dụng làm ống hút. Ống hút cỏ bàng thậm chí còn được xuất khẩu, được nhiều người ưa chuộng hơn so với ống hút nhựa.

Xe chở cỏ bàng của thương lái. Sau khi thu mua cỏ bàng, các thương lái thường đem về tỉnh Tiền Giang, nơi có nhiều làng nghề thủ công sử dụng nguyên liệu này để phơi.

Theo nhiều nông dân ở đây, trước kia cỏ bàng mọc hoang và nông dân chỉ mất công khai thác. Tuy nhiên nay cỏ hoang rất ít, nông dân phải trồng và bảo quản. Và những đồng cỏ bàng ở vùng Đức Hòa cũng đang bị giảm từng năm do tốc độ đô thị hóa nơi đây.

Đoàn Đại Trí

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoi-ha-mua-co-bang-vung-bung-bien-ngap-man-10276829.html