Hối hận vì đăng ảnh con lên Instagram

Khi con trai chào đời vào năm ngoái, Fowler quyết định đăng ảnh con lên Instagram để chia vui cùng bạn bè. Nhưng giờ đây, niềm vui đang trở thành nỗi ám ảnh, sự sợ hãi.

Geoffrey A. Fowler, nhà báo của tờ Washington Post, đã tạo một trang Instagram để chuyên đăng những khoảnh khắc dễ thương của con trai.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, Fowler nghĩ rằng việc làm của mình giúp anh và gia đình kết nối với bạn bè, người thân ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, Instagram đã liên tục hiển thị những quảng cáo nhảm nhí lên trang của Fowler. Ban đầu, những bài viết này nói về những điều vô thưởng vô phạt như công thức nấu ăn. Nhưng một tuần sau đó, các bài đăng về trẻ sơ sinh bị hở hàm ếch, trẻ em bị phồng tĩnh mạch, đầu quá nhỏ hoặc quá to... bắt đầu xuất hiện.

"Trong số hàng triệu hình ảnh trên ứng dụng, đây là những hình ảnh mà Instagram chọn để hiển thị tài khoản của con trai tôi và tôi không biết tại sao. Các bậc phụ huynh khác nói với tôi rằng họ cũng đang được đề xuất các bài đăng đánh vào những bất an, nỗi sợ cụ thể của chúng tôi, từ việc cho con bú đến tiêm phòng".

Nhiều phụ huynh có sở thích, thói quen chia sẻ ảnh con lên mạng xã hội. Ảnh: Vox.

Văn hóa sharent

Geoffrey A. Fowler đã liên hệ với Meta, công ty mẹ của Instagram và Facebook, để có được câu trả lời cho vấn đề của mình.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Stephanie Otway cho biết công ty không nghĩ rằng có bất cứ vấn đề gì khi đề xuất những bài đăng, quảng cáo như vậy bên dưới các bức ảnh của con anh.

"Các bậc cha mẹ sử dụng Instagram để nhận lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các phụ huynh khác, kể cả khi con họ có nhu cầu đặc biệt hay không".

Không có được lời giải thích thỏa đáng từ Meta, Fowler đã tìm đến Frances Haugen, người từng đứng ra tố cáo Facebook.

Trung bình mỗi bậc cha mẹ ở Anh đăng lên mạng 1.500 bức ảnh của con họ trước 5 tuổi. Ảnh: Guardian.

Haugen giải thích rằng hoạt động kinh doanh của Facebook và Instagram phụ thuộc vào việc hiển thị quảng cáo cho người dùng. Các thuật toán của nền tảng được tạo ra để bắt mọi "tín hiệu" cho thấy người dùng đang quan tâm đến điều gì.

"Tín hiệu đó có thể là việc bạn thích một bài đăng, theo dõi một tài khoản nào đó, thời gian dừng lại trước một hình ảnh. Ứng dụng theo dõi mọi hành vi sử dụng mạng xã hội của bạn. Tôi chắc chắn rằng khi bắt gặp một trong những bức ảnh gây sốc, bạn (Fowler) không có ý định dành thời gian cho bức ảnh đó, nhưng bạn đã dừng lại. Và thuật toán sẽ lưu ý về khoảng thời gian dài hơn đó".

Một báo cáo của Trường Kinh tế London (LSE) cho thấy 3/4 phụ huynh sử dụng Internet ít nhất hàng tháng để chia sẻ ảnh hoặc video của con cái họ lên mạng. Phụ huynh có nhiều khả năng làm điều này với trẻ nhỏ hơn.

Ở Anh, trung bình mỗi bậc cha mẹ sẽ đăng lên mạng 1.500 bức ảnh của con họ trước 5 tuổi.

Nhiều người cảm thấy áp lực trước văn hóa #mom, #dad, #sharent (kết hợp giữa "share" và "parent"), nơi mọi người công khai hình ảnh, kinh nghiệm mang thai, sinh đẻ, nuôi con lên mạng xã hội.

Thỏa thuận không đăng ảnh con lên mạng

Khi Sara Gaynes Levy, nhà văn kiêm blogger, mang thai, chồng cô đã đưa ra thỏa thuận không chia sẻ hình ảnh hay bất kỳ điều gì về con lên mạng xã hội.

Là một người kiếm tiền bằng cách chia sẻ cuộc sống cá nhân, Levy đã rất sốc khi nghe đề xuất này. Trước đó, cô thường xuyên sử dụng mạng xã hội để xem bạn bè chia sẻ về gia đình, con cái. Sau khi kết hôn, cô hy vọng mình cũng trở thành một trong số đó.

Nhưng ngược lại, chồng của Levy rất ít khi sử dụng Facebook và còn không có tài khoản Instagram. Anh lập luận rằng con gái họ cũng cần có quyền riêng tư trên mạng xã hội và bố mẹ không nên tạo digital footprint (dấu chân kỹ thuật số) trước khi con cái đồng ý việc được quay phim, chụp ảnh.

Lý lẽ này đã thuyết phục được Levy. "Con bé có lẽ sẽ nổi giận vì chúng tôi đã cho hàng chục người lạ xem một bức ảnh con trần truồng trong bồn tắm. Chúng tôi quyết định chỉ gửi hình ảnh con cho những người thật sự thân thuộc và quan tâm".

Ở Pháp, phụ huynh có thể phải đối mặt với một năm tù giam hoặc phạt 45.000 USD nếu tự ý đăng ảnh con. Ảnh: Glamour.

Sonia Livingstone, giáo sư tâm lý học xã hội tại khoa truyền thông của LSE, cho rằng điều quan trọng là cha mẹ phải thảo luận về những ưu và khuyết điểm của việc chia sẻ hình ảnh ngay khi con còn nhỏ.

"Chúng tôi đã phỏng vấn một số gia đình và thấy rằng nhiều trẻ em mong muốn cha mẹ chia sẻ ít ảnh hơn và hỏi ý kiến của mình nhiều hơn. Một số thậm chí chỉ muốn cha mẹ dừng việc đăng ảnh".

Còn Genevieve von Lob, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của Five Deep Breaths: The Power of Mindful Parenting, cho biết: "Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc đăng tải quá nhiều thông tin về con mình trên mạng. Những hình ảnh được tải lên có thể tạo thành dấu chân kỹ thuật số vĩnh viễn. Mọi người bắt đầu nghĩ đến việc hỏi ý kiến trẻ trước khi đăng tải hình ảnh".

Bà Lob nói thêm trẻ em sẽ học các hành vi trực tuyến từ cha mẹ. Nếu phụ huynh đăng ảnh chỉ vì mong muốn lượt thích và thỏa mãn bản thân, những đứa trẻ có thể lớn lên với nỗi ám ảnh tương tự trong tương lai.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-han-vi-dang-anh-con-len-instagram-post1317387.html