Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Xây khách sạn lớn ở đồi Dinh - Đà Lạt là không phù hợp

Theo Hội KTSVN, giá trị đặc trưng là khu Đồi Dinh (Đà Lạt) là đồi cao với nhiều cây thông lưu niên và công trình Dinh Tỉnh trưởng khiêm tốn ẩn trong cảnh quan. Do vậy, giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây là không phù hợp.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa có ý kiến gửi Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng về Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.

Theo GS, TS KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) đã nhận được ý kiến của nhiều KTS thể hiện sự không đồng tình với một số nội dung của Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.

Sau khi nhận được tài liệu liên quan đến Đồ án do Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp, hôm 15/4 vừa qua, Hội KTSVN đã họp Hội đồng Kiến trúc để trao đổi về Đồ án.

Về quan điểm, Hội KTSVN nhận thấy rõ là: Cải tạo, chỉnh trang khu Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt là chủ trương đúng và cấp thiết. Bởi vì đây là khu phố thị trung tâm của Đà Lạt đang xuống cấp, nhưng có giá trị đặc trưng và là một bộ phận cấu thành nên cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt.

Tuy nhiên, theo Hội KTSVN, trong cải tạo, chỉnh trang chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Phát triển nhưng không làm mất đi giá trị đặc trưng về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của khu phố. Đồng thời bảo tồn không chỉ giá trị vật thể (công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị) mà cả giá trị phi vật thể (di sản ký ức, lối sống và văn hóa địa phương).

Hội KTSVN đề nghị, để đảm bảo tính pháp quy của Đồ án, cần kiểm tra các cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện Đồ án.

Đánh giá cụ thể về mặt tích cực của Đồ án, Hội KTSVN cho biết, tổng thể khu vực trung tâm Hòa bình được chia thành 5 phân khu, trong đó, giải pháp bảo tồn khu chợ Đà Lạt và chỉnh trang khu dân cư phía Tây là hợp lý.

Đồ án cũng tạo nhiều không gian công cộng mở dưới dạng quảng trường và vườn hoa; Khai thác không gian ngầm (dùng để xe và dịch vụ thương mại,...); Tổ chức giao thông cơ giới, ưu tiên không gian cho người đi bộ.

Theo Hội KTSVN, nên nghiên cứu, phân tích kỹ hơn lịch sử và hiện trạng khu trung tâm Hòa Bình để đánh giá đúng các giá trị đặc trưng nhiều mặt về: Tổng thể khu phố, các công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tự nhiên và cảnh quan hoạt động của cộng đồng cư dân (giá trị phi vật thể). Đây là những căn cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp cụ thể có tính thuyết phục.

Hội KTSVN cũng cho rằng, cần nghiên cứu xác định rõ những chức năng mới, quy mô và hình thức kiến trúc mới, sao cho đảm bảo phù hợp với sức chứa và đặc điểm của khu vực về: Kiến trúc, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng và tỷ lệ kiến trúc đô thị.

Cụ thể, đối với khu Đồi Dinh, theo các KTS, giá trị đặc trưng là đồi cao với nhiều cây thông lưu niên và công trình Dinh Tỉnh trưởng khiêm tốn ẩn trong cảnh quan. Do vậy, giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây là không phù hợp.

 Dinh Tỉnh trưởng là một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của Đà Lạt - ảnh: Tuổi trẻ

Dinh Tỉnh trưởng là một mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của Đà Lạt - ảnh: Tuổi trẻ

Hội KTSVN kiến nghị nên giữ lại Đồi Xanh, có thể khai thác công trình Dinh Tỉnh trưởng vào mục đích du lịch cao cấp. Đồng thời, có thể bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ du lịch với kiến trúc quy mô nhỏ, không làm mất đặc trưng cảnh quan – Đồi xanh của khu vực đồi Dinh.

Đối với khu vực rạp Hòa Bình, Hội KTSVN đánh giá, công trình kiến trúc ban đầu của rạp Hòa Bình do KTS L.G. Pineau thiết kế theo xu hướng tiền hiện đại. Trải qua thời gian, mặc dù công trình đã có nhiều thay đổi, nhưng khu vực này vốn là không gian chợ truyền thống nên có giá trị như một di sản ký ức của cộng đồng dân cư Đà Lạt. Do đó cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới.

Công trình mới nên có quy mô vừa phải, tỷ lệ phù hợp với khung cảnh của khu phố và chú trọng mối liên kết với Chợ Đà Lạt hiện nay như một thành phần chuyển tiếp không gian quan trọng của cấu trúc khu trung tâm Hòa Bình: Phố - Chợ - Hồ Xuân Hương. Các chức năng mới, hiện đại cần thiết có thể cân nhắc khai thác không gian ngầm.

Về Tầm nhìn cảnh quan và mối liên kết công trình cũ – mới, Hội KTSVN phân tích: Tầm nhìn cảnh quan từ khu phố Hòa Bình xuống không gian chợ, đặc biệt, tầm nhìn ra phía hồ Xuân Hương là ưu tiên quan trọng nhất, cần được trú trọng. Do đó không nên xây dựng thêm công trình chắn tầm nhìn từ khu phố Hòa Bình ra Hồ Xuân Hương, như: Công trình hỗn hợp dịch vụ, thương mại đặt ở ngã ba phía đầu Rạp Hòa Bình hay các công trình khách sạn, dịch vụ ở phía Đông quảng trường sóng hoa,...

Hội KTSVN đặc biệt lưu ý tính chất chuyển tiếp hài hòa giữa các công trình mới và cũ về tỷ lệ và khối tích công trình để đảm bảo hình thái thống nhất của không gian khu phố trung tâm Hòa Bình trong quá trình phát triển liên tục.

Với tất cả các phân tích trên, Hội KTSVN kiến nghị, đơn vị tư vấn có thể tham khảo các ý kiến chuyên môn để hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt đạt chất lượng cao, xứng tầm với đô thị Đà Lạt hiện đại, đồng thời phát huy được bản sắc độc đáo của một Đô thị xanh – Đô thị trong rừng.

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201904/hoi-kien-truc-su-viet-nam-xay-khach-san-lon-o-doi-dinh-da-lat-la-khong-phu-hop-631561/