Hội làng, những lớp vỏ ký ức

Hội làng vẫn mở đấy, mỗi mùa xuân. Nhưng ở những ngôi làng mà nghề cũ cha ông không còn nữa, những ngôi làng mà phần lớn con cháu phải ly hương tìm kế mưu sinh thì hội làng chỉ đơn thuần là lớp vỏ ký ức.

Hội làng vẫn mở đấy, mỗi mùa xuân nhưng ở nhiều nơi, hội làng chỉ đơn thuần là lớp vỏ ký ức. Ảnh minh họa.

Sau tết, như thường lệ, những cuộc tranh cãi việc phản cảm hay không phản cảm, nên bỏ hay nên giữ những hội làng lại bùng nổ.

Về cơ bản, những tranh cãi này là vô bổ bởi hội làng là sự tái hiện ký ức của mỗi ngôi làng, nếu như ký ức làng còn sâu đậm, hội làng còn, ngược lại ký ức đã phai mòn, hội làng sẽ mất đi, chẳng phụ thuộc vào sự đúng sai của những cuộc tranh cãi.

Đã từng có một thời, hội làng không mở vì bị đánh đồng với hủ tục lạc hậu, với mê tín dị đoan, một khoảng thời gian khá dài. Song, hội làng không chết, bởi ký ức của những ngôi làng vẫn còn đó.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, không khí xã hội cởi mở hơn cùng với phong trào đổi mới thì hội làng theo nhau mà mở lại. Những năm đầu mới mở lại, hội làng thực sự làm sống lại ký ức của những làng quê mỗi khi mùa xuân đến. Những huyền tích lập làng, những ước vọng của cha ông, phong hóa lối sống ngàn đời tích tụ được trình diễn để nhắc nhở cháu con.

Hội làng thủa ấy đẹp đẽ đáng yêu và mang nhiều ý nghĩa. Nhưng giai đoạn ấy không kéo dài được lâu. Giờ thì người ta dễ nhìn thấy sự xô bồ, phản cảm, nhem nhuốc lợi lộc từ những lễ hội làng. Đó là bởi vì ký ức của những ngôi làng đã không còn vẹn nguyên, chỉ còn những mảnh vụn được lắp ghép vụng về bởi sự mơ hồ của những tâm hồn người ly tán.

Người ta vẫn thường ngộ nhận rằng, ký ức làng được lưu giữ bằng những bản dịch văn bia, sắc phong, in trong những cuốn sách của các nhà sưu tầm. Bởi sự ngộ nhận ấy mà để được mở lại hội làng, người ta phải làm hồ sơ dựa trên các văn bản như vậy mang đi xin phép. Nhưng, đó chỉ là những lớp vỏ của ký ức làng. Ký ức thật, chỉ có thể tồn tại trong chính đời sống của những ngôi làng, trong trí tuệ, và hoạt động mưu sinh của người làng mà thôi.

Vì sao mà sau rất nhiều năm bị cấm đoán mà những năm 199x người ta vẫn có thể phục dựng được những lễ hội làng? Đó là vì ký ức của làng vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ minh mẫn của những bậc trí giả làng quê. Họ là tầng lớp tinh hoa của ngôi làng, những ông sư chùa làng, những ông giáo, ông lang đã từng sống qua thời kỳ đình chùa miếu mạo bị đập phá năm xưa.

Bao năm cấm cản đã không giết chết được ký ức của làng bởi nó được lưu giữ trong chính những con người như thế.

Song, bi kịch của hội làng, bi kịch của những làng quê là khi không còn bị cấm cản, khi được khuyến khích bảo tồn, phát huy thì hội làng lại ngày một trở nên phản cảm. Điều đó dường như là mâu thuẫn, thực ra lại dễ hiểu vô cùng khi mà giờ đây chúng ta không thể trả lời được câu hỏi: Tầng lớp tinh hoa của những ngôi làng giờ nơi nao?

Những người con ưu tú nhất của làng quê đều đã rời bỏ ngôi làng nơi mình sinh ra. Tốt nghiệp đại học mà trở về làng là một sự thất bại. Thậm chí, chỉ cần có sức lao động thôi, họ cũng sẽ ra đi tìm việc làm nơi thành phố. Ký ức làng cũng theo họ mà đi, dù hội làng vẫn mở.

Hội làng vẫn mở đấy, mỗi mùa xuân. Nhưng ở những ngôi làng mà nghề cũ cha ông không còn nữa, những ngôi làng mà phần lớn con cháu phải ly hương tìm kế mưu sinh thì hội làng chỉ đơn thuần là lớp vỏ ký ức.

Dưới lớp vỏ ấy, người ta có thể độn vào bất cứ thứ gì, miễn có thể đem lại lợi lạc cho những người tổ chức, như một cuộc làm ăn. Những hội làng như thế, chết đi, hay biến tướng, cũng là việc bình thường, không có gì đáng tiếc.

Phạm Trung Tuyến

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/hoi-lang-nhung-lop-vo-ky-uc-c8a496650.html